TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC DO ĐỘC TỐ CỦA VI KHUẨN CLOSTRIDIUM BOTULINUM
Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra, làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó đã có trường hợp tử vong. Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum cho cộng đồng.
Bộ Y tế cho hay, loại thực phẩm thường gây ngộ độc do độc tố botulinum là thực phẩm đóng hộp, phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không bảo đảm. Vì thế, khi sử dụng đồ hộp, nếu thấy sản phẩm bị phồng, khả năng trong sản phẩm vi khuẩn kỵ khí đã phát triển, sinh độc tố. Vi khuẩn botulinum sẽ bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút. Do vậy, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên mua loại đồ hộp bị phồng, méo. Nếu trong quá trình bảo quản ở nhà, đồ hộp bị phồng thì cũng không nên sử dụng.Ảnh minh họa Để lựa chọn thực phẩm an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua đồ hộp phải đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin về tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá thực phẩm; xuất xứ hàng hoá, định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng như đã ghi trên nhãn sản phẩm, theo đúng vòng đời của sản phẩm.
Cũng theo khuyến cáo của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, hiện nhiều người Việt có thói quen chế biến thực phẩm và hút chân không để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc bên ngoài môi trường với nhiệt độ bình thường để sử dụng. Tuy nhiên, thói quen này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc botulinum.
Thực tế, muốn đóng gói đồ hộp hay hút chân không thực phẩm người dân cần áp dụng các quy trình chuẩn về khử trùng đồ hộp ở nhiệt độ cao. Không đóng gói, hút chân không thực phẩm khi công nghệ không bảo đảm.
Vì thế Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để bảo đảm an toàn, phòng ngộ độc. Đặc biệt những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không bảo đảm an toàn.
Người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, sau khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở … cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
Botolinum là trực khuẩn gram (+), sống kỵ khí tuyệt đối, sinh nha bào, nhiệt độ phát triển thuận lợi nhất là 26 độ C đến 28 độ C. Độc tố của Clostridium Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của tất cả các vi khuẩn khác. Nó chịu được men tiêu hóa và môi trường a-xít nhẹ của dạ dày, mất tác dụng bởi kiềm và nhiệt độ cao. Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn từ từ 8 - 10 giờ, có trường hợp bốn giờ với các biểu hiện như nôn, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô, đau bụng, bụng chướng, táo bón; giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, liệt cơ tim… Bệnh kéo dài từ 4-8 ngày. Trường hợp nặng thì trung khu thần kinh tuần hoàn và hô hấp bị liệt (khó thở, thở nhanh, nông) cuối cùng thì chết do ngạt. Ngộ độc do Clostridium Botulinum rất hiếm nhưng được biết nhiều vì tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Theo các chuyên gia chống độc, bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài. Nếu không được điều trị sẽ chết sau 3 - 4 ngày. Ngày nay với các phương pháp điều trị tích cực, nhanh chóng, tỷ lệ tử vong còn khoảng 10%. Về thực phẩm hay gây bệnh theo giới chuyên gia đó là đồ hộp, thịt, cá, rau quả có nồng độ a-xít thấp để lâu, một số thức ăn bằng thịt chế biến, ăn nguội như dăm bông, xúc xích…
Các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.
Kim Dung