Ngày 04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nghị định số 123/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 04/10/2024.
Một số nội dung cơ bản của Nghị định 123/2024/NĐ-CP:
I. Quy định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP không vượt quá mức phạt tiền tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
(Cụ thể, theo Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 10 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:
+ Đối với cá nhân: Phạt tiền đến 500.000.000 đồng
+ Đối với tổ chức: Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng)
- Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định 123/2024/NĐ-CP áp dụng đối với cá nhân (trừ khoản 4, 5, 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 20, Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 29 Nghị định 123/2024/NĐ-CP ).
Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
- Việc xác định mức phạt cụ thể căn cứ vào mức phạt của từng hành vi quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP và tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Mức phạt tiền theo thẩm quyền quy định tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định 123/2024/NĐ-CP được áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Mức phạt tiền theo thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Việc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp có giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện như sau:
+ Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trước khi chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển quyền sử dụng đất bị xử phạt vi phạm hành chính và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm do mình gây ra theo quy định.
Trường hợp bên chuyển quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, cá nhân đã chết không có người thừa kế hoặc chuyển đi nơi khác mà được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì bên nhận chuyển nhượng không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do bên chuyển quyền gây ra.
Bên nhận chuyển quyền bị xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm do mình gây ra (nếu có);
+ Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất;
+ Trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền sử dụng đất;
+ Trường hợp cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện, không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người đã cho thuê, cho thuê lại, thế chấp.
II. Quy định mức phạt đối với hành vi không đăng ký đất đai, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định, gồm:
Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng;
Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định, gồm:
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất;
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề;
Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất;
Bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
- Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.