Trong quá trình vận động và phát triển, phường Đông Thọ với hạt nhân là làng Thọ Hạc, làng Đông Tác xưa luôn biến đổi và phát triển không ngừng.
Chùa Long Nhương ở làng Đông Tác xưa thuộc tổng Thọ Hạc, nay thuộc phố Đoàn, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Chùa có tên chữ là “Long Nhương Tự”. Theo cuốn “Dư địa chí Thành phố Thanh Hóa”, chùa có từ khoảng thế kỷ XV, vào cuối thế kỷ XVIII, khi Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh có dừng tại tổng Thọ Hạc để luyện binh, chiêu mộ quân lương. Người có đến chùa để lễ Phật nên sau này khi người lên ngôi vua, dân làng lấy tên chùa là “Long Nhương Tự” theo tên Long Nhương Tướng Quân của vua để làm kỷ niệm.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chùa Long Nhương đóng vai trò là căn cứ địa phục vụ kháng chiến. Do có tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua nên các đoàn tàu chở theo vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ cho chiến đấu, bảo vệ cầu Hàm Rồng thường dừng lại ở cạnh chùa để lực lượng dân quân và Nhân dân vận chuyển, tập kết trong nhà khách của chùa. Đồng thời, đây cũng là nơi các đơn vị quân đội chủ lực thường xuyên về an dưỡng, huấn luyện sau mỗi chiến dịch. Suốt cuộc chiến tranh, làng Đông Tác đã bị hàng chục lần đánh phá, ngôi đình và chùa bị phá hủy sập nát, gần 100 người dân của làng chết và bị thương, hàng trăm nóc nhà bị hư hỏng, chiến tranh cày nát xóm làng, đồng ruộng, để lại hậu quả rất nặng nề. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Đông Tác bắt tay xây dựng quê hương từ đổ nát. Nhân dân Đông Tác luôn năng động, mạnh dạn đi đầu trong phong trào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng rau màu sang trồng hoa và cây cảnh, cái tên “Làng lúa, làng hoa Đông Tác” cũng bắt đầu từ đó, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Chùa Long Nhương hiện tại
Được sự lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND phường, sự hỗ trợ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn và sự ủng hộ của Nhân dân, Phật tử và con em trong làng, trong giai đoạn năm 2000-2003, chùa Long Nhương được xây dựng lại và xây thêm ngôi nhà văn hóa trên nền đình làng xưa. Đến năm 2005, Nhân dân và Phật tử viết đơn xin thỉnh sư, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Tâm Hòa về trụ trì chùa Long Nhương. Năm 2009, chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh – thành phố.
Chùa Long Nhương - Ảnh từ flycam
Từ khi có trụ trì, thầy Thích Tâm Hòa và Nhà chùa đã làm các thủ tục xin đất mở rộng chùa, sau 02 lần mở rộng, hiện tại diện tích chùa khoảng 6.000m2. Cảnh trí hiện tại của chùa Long Nhương với quy mô bề thế 2 tầng, chùa gồm chính điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tứ ân và khu phụ cận. Hiện nay chùa Đông Tác còn lưu giữ được 8 pho tượng cổ rất có giá trị như: tượng Tam Thế, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức Ông, Thánh Tăng… Ngoài hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, trong chùa còn có nhiều hiện vật mới, chủ yếu là các đồ thờ như đỉnh hương, lư lương, chân đèn, chân nến, chim hạc… đều bằng đồng, các loại mâm bồng, quả hộp, lọ hoa, lục bình bằng gỗ, bằng sứ… Đặc biệt, các tín đồ Phật tử đã cung tiến 4 quả chuông đồng đúc theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, quả chuông lớn có chiều cao 1,2m và đường kính miệng 0,40m.
Chùa Long Nhương có 06 ngày lễ trong năm như Lễ truyền thống gồm Lễ Thượng nguyên và Lễ tạ cuối năm, Lễ Vu Lan báo hiếu, Đại Lễ Phật đản, Lễ Giỗ tổ và giỗ giác linh. Hiện nay có khoảng 100 Phật tử sinh hoạt thường xuyên cùng nhà chùa. Nhiều năm liền, chùa Long Nhương thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Long Nhương
Với tinh thần tương thân tương ái, chùa xây dựng mô hình “Bếp ăn tình thương”, cung cấp các suất cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực; tổ chức tết trung thu, trao quà cho các các em nhỏ sống tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội số1, số 2 của tỉnh; tổ chức khóa tu 1 ngày an lạc cho Phật tử đến tu tập và tích cực đóng góp, ủng hộ thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Một số hoạt động của chùa Long Nhương
Với tất cả những gì còn lại ở đây, di tích lịch sử Chùa Long Nhương sẽ còn mãi giá trị, nhắc nhở người dân Đông Thọ, Phật tử nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung cần nâng niu, bảo tồn và phát triển một ngôi chùa đã có bề dày hàng trăm năm lịch sử, đồng hành cùng đất nước trong những ngày tháng chiến tranh hào hùng. Trong một tương lai gần, phát huy sự đóng góp tự nguyện của nhân dân, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền chùa Long Nhương sẽ là một trung tâm văn hóa tâm linh, thu hút nhiều du khách gần xa tới tham quan, dâng hương cúng Phật.
Nguyễn Thanh Huyền
Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Đông Thọ