Giới thiệu về Cụm di tích Thọ Hạc - Phường Đông Thọ, Thành phố Thanh Hóa
Theo cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ thành phố Thanh Hóa giai đoạn 1945-2000”, làng Thọ Hạc được hình thành trong thời kỳ trị vì của triều vua Lý Thánh Tông (1054-1071), nằm gần làng Đông Sơn, nơi có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng của người Việt cổ. Đây là một làng nông nghiệp đất đai phì nhiêu, màu mỡ được hình thành từ sớm, nằm ngay trên trục đường bộ chính nối liền hai miền Bắc – Nam. Quá trình làm ăn, sinh cơ lập nghiệp của dân làng trên mảnh đất này đã tạo nên một vùng văn hóa đa sắc màu, mang đặc trưng của vùng văn minh lúa nước với những ngày hội mùa, hội làng náo nức, các trò chơi dân gian, diễn xướng và đặc biệt là điệu hò sông Mã nổi tiếng. Để có được nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, người dân đã xây dựng nên các công trình kiến trúc văn hóa như đình, chùa, phủ… để làm nơi thờ cúng thần linh và thỏa nguyện tín ngưỡng tâm linh của mình.
Đình Thọ Hạc được xây dựng trong khoảng những năm đầu thời Nguyễn khi vua Gia Long quyết định dời trấn thành Thanh Hóa từ Dương Xá về Thọ Hạc và chọn vùng đất nhân dân đang ở để xây dựng trấn thành. Toàn bộ khuôn viên cụm di tích gồm có các công trình như Đình Thọ Hạc, chùa Thọ Lão và phủ Mẫu Thọ Hạc. Ban đầu Đình làng được dựng bằng tranh tre nứa lá với chức năng làm trụ sở hành chính của làng và thờ Thành Hoàng làng.
Theo tài liệu Lịch sử di tích văn hóa làng Thọ Hạc cho biết làng Thọ Hạc xưa kia thờ ba vị giám sát thành hoàng gồm: Tham xung tá quốc thượng đẳng phúc thần, Tráng Tiết Tướng Quân Nguyễn Hữu Luân phúc thần, tiến sĩ Nguyễn Tạo phúc thần. Chùa Thọ Lão thờ Quan Âm Tống Tử. Phủ mẫu thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Thánh mẫu thượng ngàn Sơn Tinh Công chúa thượng đẳng phúc thần. Đền Thờ Vua Cha Bát Hải, Đức Thánh Trần, Quan Lớn Giảo Long Hầu Long Cung Thuỷ Thần Thượng Đẳng Thần
Cụm di tích Thọ Hạc ngày nay
Những năm 1841-1847, Nhân dân cung tiến để xây dựng lại đình bằng gạch ngói. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng không còn là nơi cúng tế vì thiết chế làng cũ không còn, đình làng không có người chăm sóc, trông coi, không có kinh phí để tu sửa nên bị dột nát, hư hỏng. Vào khoảng năm 1961-1964, đình được tháo dỡ lấy gỗ đóng bàn ghế cho học sinh. Trong những năm 1965-1966, máy bay Mỹ phá nhà ga Thanh Hóa nhằm triệt phá đường vận chuyển chi viện miền Nam, đình làng Thọ Hạc cũng là một trong những mục tiêu bắn phá của không quân Mỹ. Trong suốt quá trình tồn tại, ngôi đình là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng Thọ Hạc, là nơi cúng tế Thành Hoàng làng và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa cách mạng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Cụm di tích có các ngày lễ lớn trong năm như Lễ Thượng nguyên và Hội làng từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng, Lễ Trung nguyên, Tết Vu lan, Lễ hội Phủ mẫu Thọ Hạc tổ chức vào ngày 14-15 tháng 9 âm lịch và Lễ Hạ nguyên.
Đại Lễ Thượng Nguyên tại Cụm di tích Thọ Hạc
Hiện nay, Ban sưu tầm lịch sử di tích và văn hóa làng Thọ Hạc đã tìm lại được những di vật của làng từ thời xa xưa như: 01 bản văn tế Tam vị thần hoàng bằng chữ Hán; 01 đỉnh hương đồng và 01 chuông đồng nhỏ; 02 bát hương đá cũ có hoa văn lưỡi long chầu nguyệt, nhiều chân tảng, các phiến đá lan giai, nửa tấm bia bị vỡ, 01 hương án đá, đặc biệt hiện nay cụm di tích còn lưu giữ được 02 bản sắc phong của triều Lê, đây là một trong số ít những nơi còn lưu giữ được các bản sắc phong và hiện vật có giá trị từ xa xưa lưu truyền lại.
Cùng với cấp ủy và chính quyền địa phương, Cụm di tích Thọ Hạc luôn chung tay đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường qua các hoạt động được duy trì nhiều năm liền như phát gạo hỗ trợ hàng tháng, trao quà Tết Nguyên đán, Tết trung thu cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các khóa lễ tụng kinh cầu an và tích cực đóng góp, ủng hộ thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Cụm di tích Thọ Hạc trao quà hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của Nhân dân địa phương và quý Phật tử, Cụm di tích Thọ Hạc đã được khởi công, trùng tu tôn tạo năm 2018 trên nền đất cũ của cụm di tích. Năm 2024, UBND phường Đông Thọ đã ban hành Quyết định giao thầy Đặng Văn Hân (tự Quang Minh) làm trụ trì, đồng đền thủ nhang cụm di tích. Đến nay, sau 7 năm trùng tu, tôn tạo, cụm di tích đang dần được hoàn thiện bao gồm Đại đình, Tam Bảo, Phủ mẫu, Nhà tổ và một số hạng mục khác. Trong tương lai gần, cụm di tích Thọ Hạc sẽ có diện mạo khang trang hơn, sạch sẽ hơn, là địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân và khách thập hương, góp phần xây dựng phường Đông Thọ ngày càng phát triển.
Nguyễn Thanh Huyền
Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Đông Thọ