image banner
NHỮNG SINH HOẠT VĂN HÓA LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN
Trên cơ sở của nền văn minh lúa nước mà hình thành nên nền văn hóa tương ứng, làm cơ sở giao lưu văn hóa với bên ngoài và tiếp thu, bổ sung, hình thành nên truyền thống văn hóa bền vững, lưu truyền từ đời này qua đời khác.
 1. Thờ Thành hoàng làng
Đình làng, ngoài công năng là nơi làm việc của quan viên chức sắc trong làng (xã), còn là nơi đặt bài vị thờ Thành hoàng làng. Xuân - Thu nhị kỳ và tết nhất, đều có tế lễ cúng bái nghiêm trang. Theo sách Thanh Hoa chư thần lục thì:
Xã Thọ Hạc thờ vị thần là Tham sung tá quốc tôn thần. Thần húy là Hữu, tên là chàng Út, khoảng năm Đại Nghiệp nhà Tùy (Tùy Dương đế từ năm 605 - 617), có giặc giã nổi loạn, chàng vâng lệnh đem quân dẹp giặc, bị giặc làm hại. Thần biến hóa phi thường, treo đầu lên ngựa mà đi, đến bến sông xã Cổ Định thì hóa. Về sau có nhiều linh ứng, nhân dân lập đền thờ. Các triều đại đều có sắc phong.
Xã Thọ Hạc thờ Long cung thủy thần(1) và Ý Minh Trinh thục phu nhân chi thần.
Thôn Đông Tác thờ Kiều Lộ tôn thần(2). Thần hiển tích ở Thạch Bàn núi Cấm Sơn, rất linh ứng, dân lập đền thờ. Đời Lê Hồng Đức đi đánh giặc, thần hiển linh giúp sức thành công. Trải qua các đời đều được phong tặng.
Ngoài đình làng, mỗi làng đều có nghè thờ cúng các vị thần linh.
Lễ tế Thành Hoàng làng và mở Hội làng (xã) Thọ Hạc vào ngày mồng Mười tháng Giêng hằng năm.
Lễ tế Thành Hoàng làng và mở Hội làng Đông Tác vào ngày Rằm tháng Hai và lễ tế Kỳ yên (an) vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch.
Đây là những ngày hết sức trọng đại của các làng, cuốn hút tất cả mọi người dân làng xã tham gia đông vui nhộn nhịp. Lễ tế hết sức trang nghiêm, linh thiêng, lễ hội có đủ trò: Hát bội (diễn tuồng), chơi đu tiên, đấu võ đài, đấu vật, bài điếm, cờ người, tế nữ quan...
2. Chùa: là nơi thờ Phật
Trước đây, các làng đều có chùa (chùa Long Nhương - Đông Tác, chùa Hằng Nga, Phật học - Thọ Hạc) nhưng đều bị phá hết do bom đạn Mỹ. Riêng làng Đông Tác xây dựng lại chùa mới trên nền đất mới nhưng nhỏ hơn trước.
Đình là nơi thờ Thành Hoàng làng, nghè là nơi thờ thần, chùa là nơi thờ Phật, đó là 3 công trình thờ tự cơ bản của mỗi làng xã cổ truyền. Ngoài ra còn có phủ thờ Mẫu.
3. Tục kết chạ
Trước tháng 8 năm 1945, mỗi làng đều có kết chạ với các làng khác:
Làng Thọ Hạc kết chạ với làng Cốc (xã Đông Hương), làng Tạnh Xá (phường Đông Vệ); làng Đông Tác kết chạ với làng Dủn (xã Đông Khê, Đông Sơn).
Kết chạ có thể hiểu nôm là sự kết nghĩa anh em giữa hai làng, đã kết chạ thì người hai làng không được lấy nhau, phối thờ chung Thành Hoàng làng của nhau, vui buồn có nhau. Tế lễ Thành Hoàng làng, tế Kỳ Yên, Kỳ Phúc đều mời nhau tham dự, đón rước, đối đãi trọng thể, trọng thị.


(1). Long cung thủy thần tôn thần: Thôn Đại Khối, xã Thọ Hạc cùng thờ.
(2). Kiều Lộ tôn thần, thôn Đông Tác, thôn Định Hòa cùng thờ.
image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC PHƯỜNG ĐÔNG THỌ - THÀNH PHỐ THANH HÓA

Trưởng ban biên tập: Ông Đỗ Văn Trung Chức vụ: Chủ tịch UBND Phường Đông Thọ

ĐC: 05 Nguyễn Phúc Chu - phường Đông Thọ - Tp.Thanh Hóa - Tỉnh Thanh Hóa

Ghi rõ nguồn tin khi phát hành lại nội dung trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Chung nhan Tin Nhiem Mang