image banner
DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG NHÂN DÂN ĐÔNG THỌ THAM GIA KHÁNG CHIẾN, KIẾN QUỐC THẮNG LỢI (1945 - 1954)
Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh quay trở lại xâm lược Nam Bộ. Bọn phản động nội địa luôn âm mưu chờ thời cơ để ngóc đầu dậy chống phá cách mạng.
Phong trào quần chúng cách mạng xây dựng cuộc sống mới diễn ra sôi nổi, nhưng tổ chức cách mạng mới chỉ có tổ chức Việt Minh. Vì thế vấn đề là phải nhanh chóng xây dựng chính quyền cách mạng, tổ chức kiện toàn các đoàn thể Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc và thành lập các hội mới như: Công nhân Cứu quốc, Công thương Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc, Nhi đồng cứu vong... tập hợp những người ưu tú giác ngộ làm nòng cốt.
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của cách mạng, nhằm bảo vệ chính quyền vừa giành được, Tỉnh ủy quyết định cử đồng chí Trịnh Khắc Sản về huyện Đông Sơn tổ chức xây dựng và phát triển Đảng. Tháng 12 năm 1945, đồng chí Trịnh Khắc Sản thành lập hội nghiên cứu Mác xít. Qua 3 tháng học tập, một số hội viên có đủ điều kiện kết nạp Đảng; ngày 23 tháng 6 năm 1946, được sự đồng ý của tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Khắc Sản tổ chức kết nạp đảng viên mới và thành lập chi bộ cơ quan huyện gồm 5 đảng viên, do đồng chí Trịnh Khắc Sản làm Bí thư. Từ đó, chi bộ cơ quan huyện chú trọng công tác phát triển đảng viên và xây dựng các tổ chức cơ sở của Đảng ở các khu vực trong huyện. Sau một thời gian ngắn, các chi bộ có tính khu vực được thành lập trong toàn huyện, cùng với chi bộ cơ quan huyện (đảm nhận nhiệm vụ như một Huyện ủy lâm thời) đã kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân toàn huyện với nội dung cơ bản là kháng chiến kiến quốc thành công. Sự kiện thành lập, Huyện ủy lâm thời có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị nhân dân Đông Sơn. Lần đầu tiên nhân dân trong huyện có được bộ tham mưu trực tiếp lãnh đạo, cùng nhân dân trong tỉnh hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó.
1. Xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, khắc phục nạn đói, nạn dốt, tạo tiền đề để chống thù trong, giặc ngoài
Sau khi giành chính quyền, năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu, đảng viên ít, chỉ có một số ít đồng chí đảng viên được điều động từ huyện Đông Sơn về chỉ đạo phong trào tại địa phương. Song chính quyền cách mạng đã tỏ rõ bản chất ưu việt của nó, thể hiện trong công việc, một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nên được nhân dân ngày càng tin tưởng. Họ là những người có phẩm chất và có năng lực nhất định, tích cực trong các hoạt động xã hội, sẵn sàng đảm nhiệm công việc được giao. Nhân dân trong xã càng tỏ rõ lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng, từ đó đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương.
Tuy nhiên nhân dân xã Đông Thọ nói riêng, cả nước nói chung vẫn đứng trước những thử thách gay go đó là: Chính quyền mới còn non trẻ, kinh tế kiệt quệ, lạc hậu; hơn 80 năm thực dân phong kiến đô hộ, chúng đã bóc lột nhân dân đến tận xương tủy; thiên tai lại xảy ra triền miên; trong khi đó lại bị quân Tưởng gây rối, phá hoại, dân trí thấp (có trên 90% dân số mù chữ).
Cách mạng Việt Nam hết sức khó khăn, thù trong, giặc ngoài, đứng trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này Đảng, chính quyền, mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược“vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.
Thực hiện Tuyên Ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 9 năm 1945 và chương trình hành động của Chính phủ là: Giữ vững chính quyền nhân dân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tập trung trước mắt là “cứu đói miền Bắc và kháng chiến miền Nam”. Đồng thời với việc thực hiện chỉ thị “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Trung ương Đảng, ra ngày 25 tháng 11 năm 1945.
Lúc bấy giờ xã Đông Thọ thuộc huyện Đông Sơn(1). Sau khi thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời và kiện toàn Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng tự vệ cách mạng, tình hình mọi mặt ở địa phương từng bước được ổn định. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho địa phương lúc này bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được và củng cố chính quyền cách mạng.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ, đội tự vệ được củng cố và đẩy mạnh hoạt động; ngày đêm luyện tập quân sự, tuần tra canh gác, giữ trật tự an ninh làng xóm, sẵn sàng đập tan âm mưu phá hoại của lực lượng phản cách mạng. Tại các đình làng, cờ đỏ sao vàng được treo cao, trang trí nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Bên cạnh đó, các hoạt động thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước tại các cuộc mít tinh, các cuộc họp của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi, tăng niềm tin vào Đảng và Chính phủ.
Chính quyền cách mạng đã thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, như bãi bỏ thuế thân và nhiều thứ thuế vô lí khác, bãi bỏ phu phen, tạp dịch, tiến hành chia công điền, công thổ cho các hộ nông dân không có hoặc ít ruộng đất v.v... cuộc sống nhân dân được cải thiện.
Công tác xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân được Chính phủ chú trọng. Ngày 22 tháng 11 năm 1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 63/SL quy định chế độ tổ chức chính quyền nhân dân các cấp ở địa phương trong cả nước. Thực hiện Sắc lệnh trên, tỉnh Thanh Hóa đã sắp xếp lại các đơn vị hành chính ở cơ sở, bỏ đơn vị tổng và thành lập các xã. Huyện Đông Sơn đã xóa bỏ 7 tổng, thành lập 22 xã, trong đó có xã Đông Thọ, bao gồm các xã Đông Cương, Đông Sơn và Đông Thọ ngày nay. Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời xã Đông Thọ do ông Cao Ngọc Huệ (làng Đông Tác) làm Chủ tịch; ông Cao Ngọc Dung làm Phó Chủ tịch.
Ủy ban nhân dân lâm thời xã Đông Thọ đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa I. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, khắp nơi trong xã không khí diễn ra sôi nổi: Mọi công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, tôn, giáo đều được cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân bầu cử Quốc hội khóa I. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về công tác tổng tuyển cử, chính quyền lâm thời xã đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa mục đích, yêu cầu của cuộc tổng tuyển cử, nhận thức rõ quan điểm, lập trường, trách nhiệm của công dân trước vận mệnh của đất nước, do đó có tới 99,2% cử tri đi bầu cử.
Tháng 6 năm 1946, cử tri xã Đông Thọ cùng cử tri cả tỉnh đã tiến hành bầu cử HĐND hai cấp tỉnh và xã. Kết quả bầu cử có trên 98% cử tri đi bầu và bầu đủ số lượng đại biểu HĐND xã. Trong phiên họp đầu tiên, HĐND xã Đông Thọ đã bầu UBHC xã và các ủy viên do ông Cao Ngọc Huệ (làng Đông Tác) làm Chủ tịch; ông Nguyễn Thái Duyệt (người Định Hòa) làm Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Lường Long (làng Đông Sơn) - Ủy viên thư ký xã; ông Trần Đình Lới (làng Đại Khối) làm Chủ tịch Việt Minh. Trong bộ máy chính quyền xã lúc này có một số là thân hào, thân sĩ tiến bộ tham gia nên có tác dụng cổ vũ, toàn dân thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc.
Việc bãi bỏ một số các loại thuế như thuế thân, thuế chợ, được thực hiện triệt để, cùng với việc giải tán các phe, giáp, làng văn, làng võ, các khế ước nợ nần các loại thuế, tô tức vô lý, do vậy đời sống nhân dân bớt khó khăn.
Việc điều chỉnh ruộng đất ở các thôn, xóm cho các đối tượng dân nghèo, bần cố nông, giảm tô, giảm tức cho tá điền được chính quyền thực hiện.
Đồng thời, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể, các thôn trưởng cũng được sắp xếp kiện toàn. Chính quyền dân chủ nhân dân không ngừng được xây dựng củng cố, cho nên mọi hoạt động của xã, thôn đi vào ổn định.
2. Sự ra đời và phát triển của chi bộ Đảng (tháng 11 năm 1947)
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1946 và đầu năm 1947 xã chưa có chi bộ lãnh đạo, trong tổng có 3 đồng chí là đảng viên, lúc này chủ yếu tham gia hoạt động ở các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện trong thị xã và ở huyện Đông Sơn.
Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, nhưng thực chất rút vào hoạt động bí mật. Về danh nghĩa, Mặt trận Việt Minh các cấp từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ, củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp từ Đảng bộ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, Đảng còn chủ trương thành lập các nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác nhằm bồi dưỡng, giác ngộ quần chúng ưu tú, trung kiên để phát triển Đảng. Trên cơ sở đó, vào cuối năm 1946 và đầu năm 1947, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác trong xã được tổ chức, theo chủ trương chung của huyện Đông Sơn. Hội viên tham gia là những cán bộ cốt cán trung kiên, các đoàn thể do đồng chí Lê Chí Thành - cán bộ huyện Đông Sơn phụ trách (Lịch sử Đảng bộ Đông Sơn 1945-1954). Riêng Thọ Hạc và làng Đông Tác do ông Nguyễn Đức Minh (Thọ Hạc) do công đoàn thị xã cử về phụ trách (theo lời kể của đảng viên lão thành), với 57 thành viên tham gia như: Ông Nguyễn Bá San, ông Nguyễn Văn Thứ, ông Đỗ Văn Chữ, ông Lê Huy Phan, ông Lê Huy Thiếp (người Thọ Hạc), ông Lê Văn Ngân (người làng Đông Tác) và một số thành viên khác, đó là nhân tố đầu tiên cho công tác phát triển Đảng sau này.
Tháng 4 năm 1947, một số anh chị em hội viên nghiên cứu chủ nghĩa Mác của các xã Long Cương, Nam Thọ Sơn, Song Lĩnh... được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 27 tháng 9 năm 1947, Huyện ủy Đông Sơn quyết định thành lập chi bộ “Mã Khắc Tư” (Các Mác) do đồng chí Lê Chí Thành - Huyện ủy viên - trực tiếp làm Bí thư chi bộ (chi bộ Mã Khắc Tư là chi bộ ghép của 4 xã, gồm: Long Cương, Nam Sơn Thọ, Song Lĩnh và Vân Sơn)
Tháng 11 năm 1947, chi bộ Mã Khắc Tư được chia tách thành 2 chi bộ, chi bộ Đông Thọ được thành lập. Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Đông Thọ là đồng chí Lê Chí Thành - Huyện ủy viên.
Từ đây, nhân dân xã Đông Thọ có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, phong trào cách mạng được đẩy mạnh hơn, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, phát triển kinh tế, củng cố chính quyền thôn, xã; xây dựng bảo vệ hậu phương, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến để kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
3. Xây dựng cuộc sống mới, thông qua các cuộc vận động cách mạng
- Để giải quyết nạn đói, chính quyền xã đã tổ chức và phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất với phương châm“Tấc đất, tấc vàng”, ngoài đồng thì gieo cấy cây lương thực, trong vườn thì trồng cây rau màu, củ quả...
Chính quyền xã không những chỉ đạo phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất mà còn đẩy mạnh phong trào thực hiện tiết kiệm như: Hũ gạo tiết kiệm, lập quỹ nghĩa thương giúp đỡ những người nghèo khó. Toàn xã đã vận động được trên 600 kg gạo, trong đó làng Thọ Hạc và làng Đông Tác đóng góp được 252 kg.
Phong trào chống đói đã được các đoàn thể hưởng ứng tích cực, riêng Hội phụ nữ là một trong những tổ chức tích cực được Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh tặng bằng khen, nhiều Hội viên được tặng giấy khen.
Ngoài việc chống đói bằng khai hoang, mở rộng diện tích đất gieo trồng, tiết kiệm trong tiêu dùng lương thực, nhân dân địa phương còn động viên khuyến khích các ngành nghề khác như: Xe ba gác, nghề bốc xếp, làm hương, nem, giò chả và các dịch vụ nhỏ nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó mà góp phần giải quyết nạn đói, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện, nạn đói trong xã từng bước được đẩy lùi.
- Phong trào diệt giặc dốt
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch về diệt giặc dốt, sau Cách mạng tháng Tám tuy còn bộn bề công việc, song địa phương đã biết động viên những người có trình độ sơ học yếu lược, các ông thầy đồ mở lớp tại nhà dạy cho cán bộ và nhân dân.
Cuối năm 1946 và năm 1947, phong trào bình dân học vụ phát triển rầm rộ khắp mọi nơi trong thôn xóm. Lúc bấy giờ, phấn bảng, giấy vở rất hiếm, để khắc phục, chính quyền xã đã hướng dẫn bà con dùng gạch non, than làm phấn, đường, sân gạch, nong làm bảng. Các lớp học tổ chức cả ban ngày lẫn ban đêm, sao cho phù hợp với điều kiện làm việc của mỗi người. Với cách làm như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hai làng đã tổ chức được 3 lớp học với 125 người tham gia và 3 giáo viên tự nguyện bỏ công sức, tham gia diệt giặc dốt. Ông Cao Ngọc Huệ (được cử làm Trưởng ban) và ông Đặng Sỹ Vy làm Thư ký văn hóa bình dân học vụ.
Chính quyền cách mạng rất chăm lo việc tổ chức và thành lập trường học, tích cực, động viên con cháu trong độ tuổi đến trường, công tác chuẩn bị khá chu đáo, đảm bảo khai giảng đúng quy định.
Công tác chăm lo sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật cho nhân dân được chính quyền quan tâm, phong trào phòng bệnh hơn chữa bệnh được phát động, thực hiện 3 sạch: Ăn sạch, ở sạch, uống nước đun sôi để nguội được tuyên truyền, giác ngộ trong các thôn xóm; các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc được hạn chế. Chi bộ chính quyền luôn chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc của Đảng, như: Mặt trận Việt Minh, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc.
Sau khi được tổ chức, các đoàn thể nhân dân đã tích cực đi vào hoạt động. Cán bộ trong mặt trận Việt Minh xuống tận xóm, thôn xây dựng và chỉ đạo các phong trào đạt hiệu quả tốt. Vào cuối tháng 8 năm 1948, thực hiện chỉ thị và chỉ đạo của cấp trên, xã cũng đã thành lập Hội Liên Việt(1) nhằm tập hợp những thân hào, thân sĩ yêu nước, tranh thủ được những người thuộc tầng lớp trên vào mặt trận, nhằm thu hút tất cả các tầng lớp nhân dân thực hiện khối đại đoàn kết rộng rãi. Các tổ chức Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu vong cũng được thành lập, số lượng thành viên các tổ chức đoàn thể nhân dân trong thời gian ngắn đã phát triển được hơn 400 người, làm nòng cốt cho các phong trào ở địa phương. Thông qua đó để huy động sức người, sức của cho sự nghiệp giữ gìn nền độc lập còn non trẻ, đáp ứng những nhiệm vụ của công cuộc kháng chiến kiến quốc của quốc gia dân tộc.
- Diệt giặc ngoại xâm
Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được chi bộ, Ủy ban nhân dân lâm thời xã hết sức quan tâm. Nhiệm vụ lúc này đặt ra là tổ chức, xây dựng các tổ, đội dân quân, ở các làng. Tại Đông Thọ, đã tập hợp được 168 đội viên, được tổ chức dưới hai hình thức: Lực lượng tuần tra canh gác làng, xóm và lực lượng cơ động của xã, được gọi là dân quân tự vệ và dân quân du kích. Ngoài ra, xã còn phát động phong trào thanh niên tình nguyện vào vệ quốc đoàn... Đặc biệt là tham gia đoàn quân “Nam tiến” để vào Nam chống Pháp, như các ông: Cao Ngọc Đỉnh, Lê Văn Khuê (làng Đông Tác), ông Đỉnh sau này trở thành cán bộ cao cấp trong Công đoàn. Ông Lê Khắc Quỳ và bà Lê Thị Nga con cụ Thống Nguyễn (Thọ Hạc) hoạt động bí mật ở Sài Gòn - Gia Định.
Đến cuối năm 1946, tình hình trong nước ngày càng phức tạp, căng thẳng do âm mưu gây chiến của thực dân Pháp. Sau khi trắng trợn xóa bỏ những điều khoản trong Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946), tháng 11 và 12 năm 1946, thực dân Pháp đã ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng và Hà Nội. Trước tình hình đó, ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” vạch rõ mục đích của cuộc kháng chiến là giành được độc lập và thống nhất Tổ quốc, với đường lối là: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Trung ương Đảng, nhân dân các làng Đông Thọ cùng nhân dân cả nước đã sẵn sàng đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
1. Công tác phát triển Đảng, xây dựng chính quyền trong những năm 1947 - 1954
      - Sự lãnh đạo của chi bộ
Tháng 9 năm 1948, Chi bộ xã Đông Thọ Đại hội lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Đức Minh (Thọ Hạc) được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Từ tháng 9 năm 1949 đến tháng 10 năm 1951, Đại hội Chi bộ lần thứ II, III, Đồng chí Nguyễn Đức Minh tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ.
Năm 1948, số đảng viên ở làng, xã được kết nạp rất ít, riêng chỉ có một số đồng chí được kết nạp đã thoát ly và công tác tại các nhà máy, công sở, xí nghiệp ở thị xã và tham gia các tổ chức đoàn thể ở huyện Đông Sơn.
Riêng đồng chí Nguyễn Đức Minh, đồng chí Lê Huy Hoạt (Thọ Hạc), là đảng viên đầu tiên của xã Đông Thọ đã tuyên truyền, dìu dắt các thanh niên tiến bộ ở Thọ Hạc và làng Đông Tác, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, thông qua công tác, để đến năm 1949 được kết nạp vào Đảng, làm nòng cốt để xây dựng và phát triển Đảng, tạo nguồn cán bộ trong những năm tiếp theo.
Từ năm 1949 đến năm 1950, Chi bộ Đông Thọ đã kết nạp được hơn 50 đảng viên mới.
Tháng 11 năm 1951, Chi bộ Đại hội lần thứ IV, tại làng Hạc Oa. Đại hội đã bầu đồng chí Lê Đỗ Hân làm Bí thư Chi bộ,
Tháng 10 năm 1952, Chi bộ Đại hội lần thứ V, Đại hội bầu đồng chí Ngô Văn Thơ (làng Nam Ngạn) làm Bí thư Chi bộ. Tháng 7 năm 1953, Chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ VI, Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Thắm (Đông Tác) làm Bí thư Chi bộ.
Có thể nói, kể từ khi Chi bộ ra đời, tháng 11 năm 1947, công tác phát triển đảng viên mới ở địa phương không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Chi bộ đã lãnh đạo toàn diện, chăm lo xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị, phát triển kinh tế, thực hiện xây dựng hậu phương vững chắc, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
- Về xây dựng, củng cố chính quyền
Cách Mạng tháng Tám thành công, Ủy ban huyện Đông Sơn chỉ định ông Cao Ngọc Huệ (Đông Tác) - nguyên Chánh tổng Thọ Hạc - làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời từ tháng 10 năm 1945 đến năm 1947, ông Nguyễn Lường Long (Hạc Oa), ông Cao Ngọc Dung (Đông Tác) - nguyên Lý trưởng làng Đông Tác - làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời.
Từ năm 1948 đến năm 1950, ông Nguyễn Lường Long (Hạc Oa) làm Chủ tịch, ông Cao Ngọc Dung (Đông Tác) làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính.
 Từ năm 1951 đến năm 1952, ông Nguyễn Ngọc Sơn (Thọ Hạc) hay còn gọi là Sơn Hà làm Chủ tịch.
Năm 1953, sau khi chia tách và thành lập các xã mới, ông Đặng Sỹ Vy(Thọ Hạc) được chỉ định làm Chủ tịch ủy ban hành chính xã.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và chính quyền các cấp, nhân dân xã Đông Thọ đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, sản xuất được nhiều lương thực, tự trang trải cho mình và chi viện tối đa cho tiền tuyến xây dựng và bảo vệ vững chắc xóm làng.
2. Những thành tích đạt được năm 1947 - 1954
      - Về xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở
Chi bộ, chính quyền xã không những chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng dân quân trong xã đủ về số lượng, mà còn luôn chăm lo tổ chức huấn luyện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Để bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, lực lượng bảo vệ các thôn trong xã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Năm 1947 - 1948, mỗi thôn, xóm trong xã Đông Thọ đã có từ 60 - 70 đội viên tự vệ. Làng Đông Tác, Thọ Hạc các đội viên được biên chế thành trung đội, tiểu đội. Phong trào huấn luyện dân quân được Huyện ủy lãnh đạo trực tiếp. Nội dung luyện tập bao gồm tập đâm mác, bắn súng, ném lựu đạn, đánh chông mìn, cạm bẫy, tập đánh trận giả. Kết hợp với công tác huấn luyện ở các thôn xóm, dân quân đã tổ chức các trạm gác ngày, đêm tuần tra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhờ đó, thôn, xóm, xã bình yên, nhân dân phấn khởi, yên tâm làm ăn. Hai ông Bếp(1) Xánh và Bếp Dễ huấn luyện cho dân quân, địa điểm huấn luyện là các sân đình, cồn, bãi; vũ khí là giáo mác, gậy gộc, ngoài ra còn có mấy khẩu Mút - ca - tông thay nhau luyện tập. Quản lý và điều hành là Ban Chấp hành xã đội, do đồng chí Lê Đỗ Lôi, Nguyễn Văn Tam, Lê Văn Ngôn và Nguyễn Văn Giao phụ trách.
Cuối năm 1948 đầu năm 1949, cuộc vận động “Tuần lễ dân quân tự túc” được phát động, các tầng lớp nhân dân địa phương đã đóng góp tiền, của cho dân quân hoạt động. Ngoài ra còn tổ chức quyên góp được hơn 2.000 kg thóc, gạo ủng hộ dân quân. Tổ chức một đội thuốc Đông y, để chữa trị cho anh chị em, khi bị đau ốm bất thường.
Cùng với việc củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng dân quân, công tác xây dựng “làng kháng chiến” được Huyện ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là, phong trào tiêu thổ kháng chiến đầu năm 1947. Cuối tháng 2 năm 1947, phá sập cầu Hàm Rồng, không cho địch từ phía Bắc đánh vào thị xã Thanh Hóa, các thôn trong xã tập trung phá các nhà tầng, nhà kiên cố, thực hiện “vườn không, nhà trống” khi có lệnh.
Nhân dân và du kích các xã lúc bấy giờ đã đào hào giao thông cắt ngang đường Quốc lộ 1A từ Hàm Rồng xuống để ngăn xe cơ giới của địch, các đường vào cổng chính có du kích canh gác ngày đêm, hàng trăm tre gai các loại được dùng để rào làng kháng chiến.
 Nhân dân các xóm đã chặt tre, chặt gỗ, vót chông, đào hào, đắp ụ ở khắp các nẻo đường để rào làng chiến đấu. Các làng trong xã đã đào hàng trăm hố cá nhân, hàng ngàn mét hào giao thông, đắp hàng chục ụ đất đá dọc theo các hào giao thông chính chuẩn bị kháng chiến.
Việc tập dượt tản cư sang các làng xã vùng trên của huyện đối với người già, trẻ em, phụ nữ có con nhỏ cũng được tiến hành.
Công tác trị an thôn xóm, bảo vệ nhân dân cũng được tiến hành thường xuyên. Xã có chủ trương thành lập ban, tiểu ban an ninh, công an viên xóm, thôn; củng cố một số điếm canh thời phong kiến để lại làm trụ sở canh phòng như: Điếm ngõ Đông (phố Thắng), điếm ngõ Đàm (phố Đàm), điếm ngõ Tương (phố Lợi 2), điếm ngõ Sùng (phố Trung), điếm ngõ Nam (phố Nam), thuộc Thọ Hạc; điếm Đông Tác trên (phố Đoàn), điếm Đông Tác dưới (phố Kết). Ngày đêm cắt cử dân quân luân phiên canh gác bảo vệ nhân dân, trong xã những người lạ mặt ra vào phải có giấy trình báo.
Công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đã được tiến hành tích cực, khẩn trương, chu đáo đã làm cho nhân dân yên tâm sản xuất và củng cố lòng tin vào chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.
Phong trào tòng quân bổ sung cho quân đội ở ngoài mặt trận đã được lớp lớp thanh niên hăng hái, tình nguyện, xung phong. Trong 9 năm kháng chiến, số cán bộ thoát ly là 35 người (trong đó đảng viên có 4 đ/c). Số vào bộ đội chủ lực là 26 người (trong đó đảng viên có 5 đ/c). Số vào bộ đội địa phương là 13 người (trong đó đảng viên có 1 đ/c). Số tham gia dân quân du kích là 176 người (trong đó đảng viên có 15 đ/c).
Số người tham gia đội quân Nam tiến là 11, trong đó có 5 đồng chí đã hy sinh, tiêu biểu như tấm gương liệt sĩ Nguyễn Bá Tơ đã chiến đấu ngoan cường, khi hy sinh tay vẫn không rời súng, trước lúc hy sinh miệng hô vang:“Hồ Chủ tịch muôn năm, các đồng chí anh dũng tiến lên”...
Ngoài ra, toàn xã đã phát động phong trào “nuôi dưỡng bộ đội địa phương”, chăm sóc thương binh; đã quyên góp được 3.000 đồng hỗ trợ đơn vị của Đại đoàn 304 đứng chân ở địa bàn xã. Quyên góp hỗ trợ đồng bào nơi bị địch tàn phá, càn quét vào những năm cuối 1952 và 1953, với số lượng mỗi làng hàng tấn lúa, gạo, thực phẩm, tranh tre, nứa lá ...
Phong trào đỡ đầu nuôi dưỡng thương binh, xây dựng gia đình với thương binh, bệnh binh, bộ đội tập kết được vận động tích cực và được Hội phụ nữ và Hội mẹ chiến sỹ hưởng ứng tự nguyện, tiêu biểu là các bà Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Thị Bẩm, ... ở làng Thọ Hạc và bà Nêm làng Đông Tác.
Toàn xã đã huy động được 2.500 lượt người với 42 đợt dân công tiếp vận, hỏa tuyến, phục vụ chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào, Hòa Bình, Sơn La và chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”. Kết quả đã vận chuyển được 386.300 kg hàng hóa, gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược... với số lượng từ 400 - 450 nhân công mỗi đợt, tùy yêu cầu mỗi đợt, thời gian dài có thể là 6 tháng, ngắn cũng từ 1 đến 3 tháng. Phương tiện chủ yếu là gánh, mang vác, thuyền nan và một số xe thồ được huy động tham gia.
Với thành tích đó, xã đã được Hội đồng cung cấp Trung ương tặng 2 cờ thi đua và hàng chục anh chị em được Hội đồng cung cấp Tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen...                                                                                                         
- Phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân
Trong 9 năm kháng chiến, kinh tế chủ yếu của địa phương là sản xuất nông nghiệp, cây lương thực, gồm lúa, ngô, khoai, sắn, củ đậu, củ từ và một số cây khác như bông và trồng dâu nuôi tằm; các ngành dịch vụ nhỏ lẻ bốc vác, xe tay, xe kéo, xe thồ, buôn bán nhỏ cùng một số ngành nghề, như nghề làm hương, đánh tranh dạ.
Những năm 1946, 1947 và đầu năm 1948, phong trào tăng gia sản xuất chủ yếu là tận dụng khai phá cồn, bãi, đất hoang hóa để trồng rau củ quả như dong riềng, dong ta, khoai, cà, kê, bầu đất để giải quyết trước mắt.
Từ giữa năm 1948 trở đi, hưởng ứng cuộc vận động “sản xuất, tiết kiệm” do Hồ Chủ tịch phát động, toàn xã đã dấy lên phong trào lao động sản xuất mạnh mẽ và rộng khắp, từ đó các cồn bãi, đất hoang, đầm lầy được khai khẩn tích cực, mương máng, ao hồ được đào đắp, khơi thông nhằm chủ động nước tưới tiêu.
Cuối năm 1948 đầu năm 1949, hạn hán kéo dài, việc sản xuất gặp khó khăn. Song, nhân dân từng thôn, xóm, dòng họ chủ động liên kết giúp nhau trong sản xuất, nhờ đó mà năng suất lúa ngày càng tăng.
Nông hội cũng đã chủ động nắm bắt kinh nghiệm để phổ biến, tuyên truyền, vận động hướng dẫn bà con nông dân như: Chuẩn bị giống, nước, phân, đặc biệt là phát động ủ phân chuồng, phân bắc, kết hợp với việc chăm sóc thăm đồng, từ đó năng suất, sản lượng tăng hằng năm. Kết hợp với các loại cây con khác như chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây củ quả quanh vườn, quanh nhà; áp dụng xen canh, xen vụ, do vậy đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Các ngành nghề phụ khác cũng được phát triển khá mạnh, như đóng nung gạch ngói, đánh tranh rạ bán ra thị trường ở làng Đông Tác, làm gạch ngói xe thồ ở làng Thọ Hạc, Tân Nam.
Năm 1952, thực dân Pháp phá đập Bái Thượng, dưới sự lãnh đạo của chi bộ và chính quyền, nhân dân Đông Thọ đã chủ động đào mương, khơi rạch khu vực nhà ông Thiết (cầu Sâng) để lấy nước tưới tiêu, đảm bảo cho sản xuất, quyết tâm sản xuất được nhiều lúa gạo để phục vụ cho kháng chiến. Đi đôi với phong trào hũ gạo kháng chiến, bình quân hằng năm, toàn xã cũng đã tiết kiệm được gần 2.000 kg gạo.
Cuộc đấu tranh đòi giảm tô 25%, cũng đạt kết quả cao. Cuối năm 1952 đầu năm 1953, chính sách giảm tô được phát động, nông dân phấn khởi đòi địa chủ, phải giảm tô, số thóc nộp tô cho địa chủ bằng 25% tổng số tô phải nộp.
Có Đảng lãnh đạo, có chính quyền do nhân dân bầu lên, cho nên việc tiến hành chia lại công điền, công thổ được công bằng, công khai.
Thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức, ngăn chặn, hạn chế việc cho vay nặng lãi, bán lúa non, lễ bái; những bần cố nông, con ở đi làm thuê được trả công, việc phân biệt đối xử cũng khác nhiều so với trước. Từ đây đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân lao động trong xã đã có những thay đổi rõ rệt.
- Phát triển văn hóa - xã hội
Từ năm 1945 - 1954, ngoài việc học hành của con em các gia đình khá giả tại địa phương hoặc đi các tỉnh ngoài học, phong trào“diệt giặc dốt”, “bình dân học vụ” phát triển rộng khắp trong toàn xã. Đối với những người cao tuổi, số con em nhỏ được các ông, bà, có trình độ văn hóa đã tổ chức học tại nhà (học vỡ lòng), sau đó tại địa phương được mở trường cơ bản Đông Thọ. Lúc đầu học ở các chùa, đình làng hoặc những gia đình rộng. Chính quyền đã huy động các gia đình đóng góp tranh tre, nứa lá để xây dựng trường lớp. Độ tuổi thường là 9 - 10 tuổi mới vào lớp 1. Số lượng từ 200 - 300 em học sinh theo học.
Sau 9 năm tập trung giải quyết xóa mù đạt kết quả tốt, toàn xã có trên 50% người dân biết đọc, biết viết; 30-35% đạt tới lớp 3 - 4. Đây là nguồn nhân lực cho việc bố trí cán bộ địa phương vào các cơ quan dân chính Đảng và quân đội sau này.
Công tác vệ sinh phòng bệnh được đặc biệt quan tâm, lúc bấy giờ cả xã có trạm y tế (trạm xá) tại khu nhà Phạm Gia Mỹ (Đông Tác).
Phong trào “ăn chín, uống sôi”, diệt muỗi, diệt rệp, diệt rận, phóng uế đúng nơi đúng chỗ, phong trào sạch làng tốt ruộng... được phát động và duy trì thường xuyên. Việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo các y tá, y sỹ được chú trọng, xã đã cử 7 anh chị em đi học, làm nòng cốt về xây dựng mạng lưới y tế của xã sau này.
Công tác xây dựng nếp sống văn hóa, thông tin cổ động, tuyên truyền cho kháng chiến được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể rất quan tâm.
Xã thành lập một Ban thông tin lưu động làm nhiệm vụ kẻ vẽ khẩu hiệu, mỗi xóm có từ 1 - 3 người thông tin viên, mỗi làng có một chòi phát thanh, lợi dụng chủ yếu vào những cây cao to giữa các xóm, phương tiện là loa mo cau cuốn hình tổ sâu, tiến tới là loa tôn cuốn hình phễu.
Mỗi làng, xã đều có từ 1 đến 2 đội văn nghệ, nội dung tự biên, tự diễn, chủ yếu bám vào chủ trương và các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Bác Hồ, Chính phủ làm chủ đề tuyên truyền; phông chủ yếu là những tấm vải dù thu được của Pháp, ánh sáng bằng đèn măng sông, đèn đất, đuốc...
- Về xây dựng tổ chức củng cố, phát triển hệ thống chính trị, đoàn thể quần chúng
Các đoàn thể quần chúng ở các thôn xóm trong xã được củng cố, xây dựng và phát triển ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Năm 1947, “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội phụ lão kháng địch” được thành lập, tham gia tích cực vào việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và giúp đỡ bộ đội đóng quân ở địa phương.
Ngày 10 tháng 8 năm 1948, thực hiện chủ trương của Hội Liên Việt tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đông Sơn mở Đại hội thành lập Hội Liên Việt huyện Đông Sơn. Sau Đại Hội Liên Việt huyện, Hội Liên Việt xã Đông Thọ cũng tổ chức Đại hội và đi vào hoạt động.
Giữa năm 1948, thực hiện Sắc lệnh số 148/SL, ngày 25 tháng 3 năm 1948, của Chính phủ, Ủy ban kháng chiến các cấp trong huyện sáp nhập với UBHC và đổi tên thành Ủy ban kháng chiến - hành chính.
Vừa củng cố và hoàn thiện chính quyền cơ sở, Huyện ủy Đông Sơn còn chỉ đạo phải đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động đội lốt Công giáo, Phật giáo để hoạt động xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ. Chúng dựng lên cái gọi là “Mặt trận dân tộc giải phóng”, tổ chức các cuộc bắt cóc thủ tiêu cán bộ của Đảng, chính quyền. Vào năm 1947, chính quyền huyện đã chỉ đạo tấn công truy bắt cai Nhạ và đồng bọn, cuối cùng bọn phản động đã nộp con dấu, xin đầu hàng (thường gọi là nhóm đạo Tín, đạo Thắng). Chúng ta đã bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ của nhân dân.
Năm 1951, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Sơn, xã Đông Thọ đã triển khai và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp, nhân dân phấn khởi nộp thuế cho Chính phủ đầy đủ và đúng thời gian.
Vào tháng 12 năm 1952, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Sơn, nhân dân địa phương đã tiến hành cuộc đấu tranh chính trị sâu rộng. Lúc này một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo do tên Tuệ Quang cầm đầu, cấu kết với những phần tử phản động trong tỉnh, hoạt động chống phá cách mạng. Các tổ chức quần chúng đã đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn chúng. Những tên cầm đầu đã bị sa lưới pháp luật, số tòng phạm được nhân dân giáo dục tại chỗ. Do đó, uy tín của Đảng được nâng cao, công tác an ninh chính trị ở địa phương được giữ vững.
- Các phong trào ủng hộ kháng chiến
Cùng với nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh, việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước kháng chiến kiến quốc có ý nghĩa to lớn, do vậy trong 9 năm kháng chiến, toàn xã đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước thiết thực.
Phong trào hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ kháng chiến như “Công phiếu kháng chiến”, toàn xã đã mua gần 500 phiếu, tương ứng với 9.400 kg thóc; phong trào bán lúa cho Hồ Chủ tịch khao quân được 4.212 kg; công trái quốc gia mua được gần 500 phiếu tương ứng với 7.267 kg thóc; “Hũ gạo kháng chiến” năm 1948 tiết kiệm được 585 kg gạo; ủng hộ quỹ mua súng đạn (1948) được 9.375 đồng, ủng hộ xây dựng quỹ Đảng (1948) toàn xã được 1.560 đồng, trong đó Đảng bộ tỉnh được 1.030 đồng, huyện Đảng bộ được 513 đồng và 17 đồng quỹ cho chi bộ. Bán lúa Hồ Tùng Mậu (là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV) được 19.060 kg, quỹ quốc phòng được 4.802 đồng và 5.340 kg thóc vào năm 1949.
Về việc giao nộp thuế nông nghiệp cho Nhà nước, kết quả:
Năm 1951 đóng được 61.905 kg thóc.
Năm 1952 đóng được 168.049 kg thóc.
Năm 1953 đóng được 174.122 kg thóc.
Năm 1954 đóng được 155.538 kg thóc.
Với thành tích đó, xã đã được Hội đồng cung cấp Trung ương tặng 2 cờ thi đua và hàng chục anh chị em được Hội đồng cung cấp Tỉnh tặng bằng khen, giấy khen...
Những thành tích mà nhân dân xã Đông Thọ đóng góp trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - hành chính tỉnh tặng thưởng: 136 Huân, Huy chương các loại, 132 bằng khen và nhiều giấy khen, Huy hiệu khác. Ngoài ra còn được nhận nhiều Huy chương kháng chiến, Bằng khen, Giấy khen đối với những tập thể và cá nhân xuất sắc trong từng chiến dịch, từng phong trào thi đua hoặc tấm gương tốt, việc tốt. Trong 9 năm kháng chiến, toàn xã có 10 liệt sĩ và 7 thương binh.
Những thành tích ấy là niềm tự hào của chi bộ và nhân dân địa phương, biểu hiện rõ nét lòng yêu nước, khí phách của dân tộc nói chung và người dân Đông Thọ nói riêng. Đó là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một di sản quý báu, một truyền thống tốt đẹp để Đảng bộ và nhân dân phường Đông Thọ tiếp nối chặng đường cách mạng.


(1). Xã Đông Thọ lúc này là 1 trong 22 xã của huyện Đông Sơn; bao gồm các xã Đông Lĩnh, Đông Cương, Đông Sơn và Đông Thọ ngày nay.
(1). Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Liên Việt, được thành lập. Ngày 10 tháng 8 năm 1948, Hội Liên Việt Đông Sơn được thành lập, ông Phạm Gia Mỹ được bầu làm Hội trưởng, ông Nguyễn Thế Bân làm Phó Hội trưởng kiêm Tổng thư ký.
(1). Ông Bếp là cách gọi gắn liền với tên của những người đi lính thợ cho Pháp: Bếp Xánh, Bếp Dễ... 
image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC PHƯỜNG ĐÔNG THỌ - THÀNH PHỐ THANH HÓA

Trưởng ban biên tập: Ông Đỗ Văn Trung Chức vụ: Chủ tịch UBND Phường Đông Thọ

ĐC: 05 Nguyễn Phúc Chu - phường Đông Thọ - Tp.Thanh Hóa - Tỉnh Thanh Hóa

Ghi rõ nguồn tin khi phát hành lại nội dung trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Chung nhan Tin Nhiem Mang