image banner
NHÂN DÂN ĐÔNG THỌ TIẾN HÀNH HỢP TÁC HÓA NÔNG NGHIỆP, CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG VÀ CHI VIỆN CHO TIỀN TUYẾN (1954 - 1975)
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) và Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20-7-1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện cải cách ruộng đất, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và tiến lên xã hội chủ nghĩa.
 I. CHI BỘ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐÔNG THỌ KHÔI PHỤC KINH TẾ VÀ TIẾN HÀNH HỢP TÁC HÓA NÔNG NGHIỆP (1954 - 1965)
1. Tình hình địa phương sau ngày hòa bình lập lại (7/1954)
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) và Hiệp định Giơnevơ được ký kết (20-7-1954), miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện cải cách ruộng đất, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Thế nhưng, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân thực dân Pháp, dựng lên chế độ độc tài Ngô Đình Diệm nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự, làm bàn đạp, tiến công ra Bắc, chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đông Thọ lúc này là khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhân dân miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN, xây dựng hậu phương, sát cánh cùng đồng bào miền Nam kiên cường đấu tranh để lật đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà.
Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Đông Sơn, tháng 9/1954 Chi bộ Đông Thọ tiến hành Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 1954 - 1955). Đại hội đã đánh giá đúng mức những thành tích và những hạn chế trong sự lãnh đạo nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, những thành tích đã đạt được của nhân dân toàn xã là to lớn, góp phần tích cực cho cuộc kháng chiến thắng lợi và ổn định đời sống nhân dân. Đại hội cũng xác định rõ những thuận lợi và khó khăn của thời kỳ lúc bấy giờ.
Thuận lợi hết sức to lớn là miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, nhân dân được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hân hoan phấn khởi sản xuất, làm ăn và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, của chính quyền.
Bên cạnh thuận lợi, nhân dân Đông Thọ cũng gặp không ít khó khăn, thử thách gay gắt về kinh tế - xã hội; đời sống của nhân dân còn thiếu thốn, cùng với những diễn biến phức tạp về chính trị. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hậu quả của chiến tranh để lại cùng với thiên tai tàn phá. Hạn hán (đầu năm 1954) kéo dài, đến tháng 9 năm 1954 lại lụt lớn, vỡ đê sông Chu làm vụ mùa mất trắng trên diện rộng, đã dẫn đến nạn đói nặng nề cuối năm 1954 đầu năm 1955 trong toàn tỉnh và tại địa phương.
Đại hội xác định, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là cần nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất và từng bước phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội đã bầu đồng chí Đặng Sỹ Vinh làm Bí thư Chi bộ.
Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngày 3 tháng 11 năm 1954) về đẩy mạnh sản xuất cứu đói, chăm lo đời sống nhân dân; được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy, chi bộ và chính quyền xã đã phát động phong trào trồng các loại rau màu ngắn ngày chống đói. Các tổ Đảng đã chỉ đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất: Trồng rau muống, các loại cây ăn củ như: Sắn, khoai, củ từ..., khẩn trương khai hoang, phục hóa đồng ruộng, vườn đồi phát triển sản xuất. Đồng thời, cùng cả huyện Đông Sơn tích cực làm thủy lợi kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chi bộ đã phát động nhân dân trong xã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, tình làng, nghĩa xóm đùm bọc, giúp nhau trong lúc khó khăn nên đã kịp thời giải quyết nạn đói.
Mặt khác, bọn phản động đội lốt tôn giáo đã từ vùng Thọ Xuân kéo về đứng chân ở chùa Đông Tác - xã Đông Thọ làm cơ sở hoạt động. Đầu năm 1952, Công an tỉnh cùng Công an xã bắt gọn bọn này và Lường Mạnh Huân. Hoạt động của chúng rất xảo quyệt, chúng tuyên truyền, lôi kéo đồng bào giáo dân “miền Bắc không được tự do tín ngưỡng”, “Chúa đã vào Nam”, “Mỹ sẽ ném bom xuống miền Bắc như ở Nhật Bản”... Chúng dùng mọi hình thức tuyên truyền hòng phá hoại, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dụ dỗ, kích động, lôi kéo, cưỡng ép đồng bào theo chúng di cư vào Nam, trong số đó có cả bọn phản động, lợi dụng tự do tôn giáo ở Bùi Chu, Phát Diệm (Ninh Bình) và Ba Làng, (Tĩnh Gia) cũng vào thúc ép.
Thi hành Hiệp định Giơnevơ, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đón tiếp cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Trong tháng 9 và tháng 10 năm 1954, các tổ Đảng đã chỉ đạo nhân dân tham gia phong trào ủng hộ đồng bào miền Nam tập kết, đóng góp lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt chăn, màn, quần áo... giúp đồng bào miền Nam ruột thịt nhanh chóng ổn định cuộc sống. Xã Đông Thọ đã bố trí một số tổ công tác với hàng chục người đón đồng bào tại Sầm Sơn, tổ chức các bếp ăn phục vụ đồng bào.
Cũng trong thời gian này, chi bộ, tổ Đảng đã chỉ đạo và thực hiện tốt chủ trương của tỉnh cho nông dân vay tiền mua sắm nông cụ lao động, phân bón... và cấp gạo trực tiếp cho hộ thiếu đói. Do tích cực vừa cứu đói, vừa sản xuất, vừa đấu tranh ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội nên địa phương đã đi vào ổn định. Đến cuối năm 1955, sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã có bước phát triển mới, ngành nghề thủ công được phục hồi, đời sống nhân dân được cải thiện, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mà trực tiếp là chi bộ, chính quyền địa phương được nâng lên.
2. Tiến hành cải cách ruộng đất
Ngày 4 tháng 12 năm 1953, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chính thức thông qua Luật cải cách ruộng đất. Căn cứ vào chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Huyện ủy, UBHC huyện Đông Sơn đã phát động cải cách ruộng đất trong toàn huyện.
Thực hiện chủ trương trên, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện, chi bộ, chính quyền xã Đông Thọ đã lãnh đạo thực hiện cải cách ruộng đất trong đợt 3 của tỉnh, từ tháng 2 năm 1954 và kết thúc vào tháng 5 năm 1955, được chia thành 4 bước:
Bước 1: Tuyên truyền chính sách của Đảng và Chính phủ về việc cải cách ruộng đất.
Bước 2: Phân định thành phần, giai cấp (mức giới hạn giữa địa chủ, cường hào, gian ác, đầu sỏ).
Bước 3: Tổ chức tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất, tài sản của địa chủ để chia cho dân nghèo.
Bước 4: Tổng kết thắng lợi và chỉnh đốn, ổn định tình hình.
Quá trình diễn ra được bà con nhân dân phấn khởi ủng hộ, đấu tố vạch mặt bọn chúng. Kết quả, toàn xã đã tịch thu và các hình thức khác được 150 mẫu 5 sào ruộng chiếm 27% diện tích canh tác toàn xã; số trâu bò là 84 con, nhà cửa 72 gian và nhiều đồ dùng, dụng cụ phục vụ cho sản xuất. Với phương châm “thỏa mãn bần, cố, chiếu cố trung nông”. Thông qua đó, bà con nông dân được chia ruộng đất, dụng cụ tịch thu của địa chủ, thỏa lòng mong muốn của nông dân: “người cày có ruộng”, một địa chủ bị nhận bản án tử hình ở địa phương.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, đã phạm một số sai lầm:
Phương pháp tiến hành dập khuôn, máy móc dẫn đến quy sai thành phần. Phương châm của Đảng là kết hợp 3 phương thức tiến hành, song đội cải cách chỉ thực hiện một nội dung đó là tịch thu. Việc quy thành phần còn biểu hiện phân theo tỷ lệ cho đủ số lượng, dẫn đến nhiều người bị quy oan, kể cả một số cán bộ, đảng viên, gia đình có công với cách mạng. Nhìn chung, nhân dân sợ và lệ thuộc vào quyền uy của đội cải cách, nên còn lưu lại câu: Nhất đội nhì trời, do vậy việc đấu tố thiếu khách quan, trung thực. Một số đảng viên bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.
Trước tình hình nghiêm trọng đó, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã kịp thời phát hiện ra sai lầm và đề ra chính sách sửa sai. Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho đồng bào nông thôn nêu rõ những thắng lợi giành được trong cải cách ruộng đất và vạch rõ những sai lầm cần phải chỉnh sửa. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (khóa II, tháng 9 năm 1956), Đảng đã đề ra nhiệm vụ kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Đông Sơn, chi bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn xã hoàn thành việc sửa sai đạt kết quả tốt.
Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1956, công tác sửa sai được tiến hành với biện pháp và nội dung như sau:
Tuyên truyền và phổ biến để nhân dân hiểu những sai lầm trong quá trình cải cách ruộng đất. Sửa sai thành phần cho 34 hộ, trong đó số địa chủ có 14 hộ hạ xuống còn 6 hộ, phú nông có 26 hộ hạ xuống còn 18 hộ, trung nông 58 hộ hạ xuống còn 40 hộ. Một số cán bộ, đảng viên bị oan sai được minh oan.
Kết quả đó đã giúp cho địa phương sớm ổn định tình hình, đoàn kết trong nội bộ làng, xã được khôi phục, nhân dân phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất.
3. Khôi phục kinh tế (1955-1960)
Trung tuần tháng 8 năm 1955, xã quán triệt Nghị quyết của tỉnh về việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, từ đó đã phát động rộng rãi phong trào“Tấc đất, tấc vàng”, khai hoang phục hóa, mở mang bờ vùng, bờ thửa. Phát động phong trào làm phân xanh - ủ phân, chủ động chống úng lụt, hạn hán bằng mọi biện pháp để tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh công tác thủy nông, đào, nạo vét mương máng, chủ động tưới tiêu; động viên nông dân mua sắm trâu bò, dụng cụ sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi một số cây trồng cho phù hợp với ruộng vườn...
Tháng 11 năm 1955, đến tháng 9 năm 1959, Chi bộ Đông Thọ tiến hành Đại hội lần thứ VIII, thứ IX, thứ X và XI, các Đại hội đã bầu đồng chí Đặng Sỹ Vinh làm Bí thư chi bộ liên tiếp 4 nhiệm kỳ.
Qua 2 năm (1955-1956) và đầu năm 1957, dưới sự lãnh đạo của chi bộ với chủ trương và biện pháp nêu trên, bước đầu đã tạo ra được sự phát triển về sản xuất lương thực, thực phẩm, đời sống bà con trong xã được cải thiện rõ rệt.
Để tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tỉnh có chủ trương vận động nông dân xây dựng các tổ đổi công, giúp nhau khắc phục khó khăn trong sản xuất. Việc vần công, đổi công đã được hình thành theo thể thức tổ, nhóm, gia đình, dòng họ, làng, xóm... với quy mô từ 5-10 hộ nông dân trong 1 tổ. Tháng 3 năm 1956, huyện Đông Sơn tổ chức hội nghị và phát triển tổ đổi công rộng khắp, không gò ép mà để hộ nông dân tự nguyện, tự giác. Đây là yếu tố cơ bản cho sự làm chủ tập thể của nông dân, là tiền đề để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp sau này.
Từ chủ trương của Tỉnh, huyện Đông Sơn về xây dựng các tổ vần công, đổi công trong những năm 1955, 1956, 1957 và tiến tới xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp vào những năm 1958, 1959, 1960; tính đến năm 1957, toàn xã đã xây dựng được 18 tổ đổi công, vần công, đây là tiền đề cần thiết, thuận lợi để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
4. Chi bộ lãnh đạo nhân dân Đông Thọ xây dựng hợp tác xã (1958-1965)
Quá trình xây dựng và xác lập quan hệ sản xuất mới tập trung trong 3 năm (1958-1960), Huyện ủy Đông Sơn đã chỉ đạo nhân rộng ra các xã, trong đó có xã Đông Thọ.
Thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết cấp trên, Chi bộ Đông Thọ đã lãnh đạo chính quyền chuẩn bị mọi mặt để xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, được tiến hành theo các bước:
Thành lập ban vận động,
Tổ chức học tập Điều lệ,
Vận động bà con nông dân, hộ gia đình, gia nhập hợp tác xã nông nghiệp (theo hình thức tự nguyện làm đơn vào HTX).
Trên cơ sở 18 tổ đổi công của hai làng, đã tập trung bước đầu xây dựng được 7 hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp theo thôn, xóm. Xã lấy xóm Đàm (Thọ Hạc) làm đơn vị điểm về xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp (1958) để rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn xã. Đến năm 1960, thành lập xong 7 hợp tác xã bậc thấp. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ - Đảng bộ và sự điều hành của chính quyền xã, đến năm 1961 toàn xã có 9 HTX nông nghiệp với 100% các xóm tham gia, có HTX nông dân tự nguyện gia nhập, đạt tỷ lệ 85,7%. Năm 1963-1965, theo chủ trương xây dựng HTX bậc cao, Thọ Hạc chỉ còn 3 HTX nông nghiệp và Đông Tác 1 HTX nông nghiệp.
Từ khi có HTX, khoa học kỹ thuật được áp dụng, năng suất lúa đạt 2 tấn đến 2,5 tấn/ha gieo trồng, công cụ lao động dần được cải tiến, bình quân thu nhập 12 -13 kg thóc/người/tháng.
Trong những năm 1961-1965, Đảng bộ cùng chính quyền đã chỉ đạo các HTX làm được một số sân phơi tập trung như sân phơi xóm Đàm, xóm Thắng, xóm Trung với diện tích gần 2.000 m2; một trại nuôi lợn tập thể ở Đồng Đá, một lò vôi (làng Thọ Hạc); tu bổ, nạo vét một số mương máng, kênh, cống, trạm bơm. Bên Đông Tác các nhà kho, sân phơi trại chăn nuôi lợn được xây dựng.
Thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng HTX Tín dụng, tại Đông Thọ, HTX Tín dụng được thành lập vào năm 1958, Ban Chủ nhiệm gồm 3 người do ông Mẵn làm Chủ nhiệm, ông Tại làm Kế toán, ông Gụ làm Thủ quỹ, có 176 xã viên tham gia. Từ năm 1959 - 1961, Hợp tác xã Mua bán được thành lập do bà Gấm giữ chức vụ Chủ nhiệm, 85% số hộ trong xã là xã viên góp cổ phần.
5. Lãnh đạo công tác văn hóa - xã hội
- Về văn hóa
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, công tác thông tin tuyên truyền được chú trọng, hoạt động văn hóa trong xã được diễn ra thường xuyên nhằm thúc đẩy mọi nhà, mọi người thi đua thực hiện.
Trong xã có hai đội văn nghệ, làng Thọ Hạc một đội, Đông Tác một đội; xã có Ban tuyên truyền, thôn, xóm có tổ thông tin đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, Đảng bộ. Nội dung chủ yếu là các phong trào thi đua như:
Động viên nhân dân hăng hái lao động, thực hành tiết kiệm. Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Các biện pháp phòng, chống, chữa trị cho gia súc, gia cầm. Phong trào làm bèo hoa dâu cải tạo đồng ruộng, tăng năng suất lao động được diễn ra sôi nổi.
Đảng bộ, chính quyền, các HTX còn tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thực hiện ba cuộc cách mạng:
Cách mạng về quan hệ sản xuất.
Cách mạng khoa học kỹ thuật.
Cách mạng về tư tưởng và văn hóa.
Trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt.
Cũng trong thời gian này, phong trào thi đua “Cờ ba nhất”, “Gió đại phong”, “Sóng duyên hải”, “Lửa thành công”, “Trống Bắc Lý”, nhất là phong trào “Đông Phương Hồng” được lan toả rộng khắp trong xã, lực lượng nòng cốt là những đoàn viên thanh niên. Nhằm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thực hiện chủ trương khai hoang, năm 1964 xã đã tuyên truyền và vận động được 80 hộ với 400 nhân khẩu đi xây dựng kinh tế - văn hóa miền núi tại huyện Ngọc Lặc, trong đó các đồng chí đảng viên gương mẫu tình nguyện tham gia, như các đồng chí Đặng Sỹ Nhiên, Đặng Sỹ Minh, Trần Xuân Thủy... (ở làng Thọ Hạc), Lê Văn Ngôn (ở làng Đông Tác).
- Về giáo dục
Trường cấp I có 10 phòng được thành lập trong những năm 1957 - 1959, bộ mặt của xã được khởi sắc, song các lớp học cấp I chủ yếu vẫn là tận dụng các khu đình làng, chùa. Riêng khu vực làng Thọ Hạc, xây dựng thêm được 5 phòng học, vật liệu xây dựng chủ yếu là trát vách, lợp ngói, lợp kè (mỗi học sinh vào năm học mới đóng góp từ 1-2 tranh dạ) hoặc tận dụng một số các nhà địa chủ trước đây để làm phòng học. Số lượng học sinh hằng năm bình quân có 450 em.
Trường cấp II của xã được thành lập năm 1964 (ở làng Thọ Hạc) với 3 lớp, học sinh 140 em, do thầy Đàm, kế tiếp là thầy Nguyễn Hữu Thanh làm Hiệu trưởng. Những năm trước chưa có trường cấp II, học sinh trong xã hầu hết học ở các trường Cù Chính Lan, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng trong thị xã. Các phong trào thi đua dạy và học được phát động rộng rãi trong nhà trường như: Thi đua “Đuổi kịp và vượt Bắc Lý”, Hải Nhân.
Năm 1965, sau khi Mỹ đánh phá Hàm Rồng (ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965) các lớp học được sơ tán rải khắp trong hai làng: Làng Thọ Hạc và làng Đông Tác. Nhân dân khẩn trương đào hầm, đắp lũy, hào giao thông, đan mũ rơm phát cho các cháu để ngụy trang và chống bom bi của đế quốc Mỹ. Mặc dù địch đánh phá ác liệt, với tinh thần hiếu học của con em, sự quan tâm của chính quyền, cho nên việc học hành trong xã vẫn được duy trì và phát triển. Chiến tranh phá hoại của Mỹ không thể ngăn cản được việc học tập của con em trong xã; với khẩu hiệu “Địch đánh ngày ta học đêm”, phong trào thi đua “Dạy thật tốt, học thật tốt”, “Con ngoan, trò giỏi”... được duy trì thường xuyên, liên tục. Trường cấp I và cấp II luôn được ngành giáo dục huyện Đông Sơn và tỉnh đánh giá cao về chất lượng giáo dục, được tặng thưởng Cờ thi đua đơn vị khá nhất toàn ngành và nhiều giấy khen, bằng khen các loại.
- Công tác y tế
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm nhiều, trạm y tế được tu bổ, quy hoạch đảm bảo cho công tác chuyên môn. Vào năm 1957, Trạm y tế đóng tại làng Đông Tác.
Khi được thành lập, trạm y tế đã tham mưu tốt cho chi bộ Đảng, chính quyền trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, cộng đồng; những dịch bệnh như: Dịch tả, lỵ, thương hàn, sốt rét dần dần được khống chế và dập tắt. Phong trào diệt rận, rệp, không phóng uế bừa bãi, mỗi nhà nên ăn chín uống sôi, có nhà tiêu hợp vệ sinh, đẩy mạnh phong trào “sạch làng tốt ruộng” được nhân dân đồng tình hưởng ứng, do vậy môi trường sống đã được cải thiện đáng kể.
6. Công tác xây dựng Đảng và chính quyền, đoàn thể
- Công tác xây dựng Đảng
Chi bộ xã Đông Thọ chính thức được thành lập tháng 11 năm 1947, đến năm 1953, theo chủ trương chung phân chia lại các xã đồng thời các chi bộ mới ở các xã, cũng được thành lập. Tính đến tháng 10 năm 1959, Chi bộ xã Đông Thọ trải qua XII nhiệm kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ XII có 45 đảng viên dự Đại hội, Đại hội đã bầu đồng chí Lê Hồng Thắm giữ chức vụ Bí thư Chi bộ (nhiệm kỳ 1959-1960), sau đó là Bí thư Đảng ủy (Từ tháng 6 năm 1960 đến tháng 3 năm 1961), đồng chí Đặng Sỹ Vinh được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBHC xã.
Vào tháng 4 năm 1961, Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, bầu Ban Chấp hành gồm 7 đồng chí, bầu đồng chí Lê Hồng Thắm tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, đồng chí Đặng Sỹ Vinh bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy.
Tháng 2 năm 1963, Đảng bộ Đại hội lần thứ XIV, bầu 7 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, đồng chí Đàm Tiến Bàn (Thọ Hạc) giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy và đồng chí Lê Văn Ngôn giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, tổng số đảng viên toàn Đảng bộ là 47 đồng chí.
Tháng 3 năm 1965, Đảng bộ tiến hành Đại hội lần thứ XV. Đại hội bầu đồng chí Lê Ngọc Vân (làng Đông Tác) giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy; đến giữa nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Thị Hợp được bầu thay thế giữ chức Bí thư Đảng ủy (7/1966 - 6/1967), đồng chí Đàm Tiến Bàn giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBHC xã, tổng số đảng viên là 47 đồng chí.
Qua các kỳ Đại hội Chi bộ rồi Đảng bộ, đều ra các Quyết nghị phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên.
Từ khi chi bộ Đông Thọ được thành lập (tháng 11-1947), nghị quyết các kỳ đại hội đều phản ánh những nội dung cơ bản nhiệm vụ chính trị của mỗi giai đoạn cách mạng như: “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể nhân dân, tăng cường công tác xây dựng Đảng về số lượng, chất lượng và tổ chức, lãnh đạo công tác cải cách ruộng đất, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân; huy động nhân lực, vật lực thông qua các phong trào tăng gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm đi đôi với việc xóa mù, học chữ để mở mang kiến thức về Đảng, về cách mạng để từ đó xây dựng ý chí quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Động viên con em lên đường nhập ngũ, dân quân phục vụ các chiến dịch, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Xây dựng quan hệ sản xuất mới, hợp tác xã nông nghiệp trong chiến lược cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, xây dựng hậu phương vững chắc để chi viện sức người, sức của cho chiến trường và đồng bào miền Nam ruột thịt.
Với sự kiện chuyển từ Chi bộ thành Đảng bộ - năm 1960 - là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ xã Đông Thọ, qua đó đã chứng minh sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ, được nhân dân tin yêu. Đó là những tiền đề để Đảng bộ và nhân dân phường Đông Thọ bước vào giai đoạn phát triển mới, gánh vác và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi.
- Xây dựng chính quyền
Từ năm 1954 đến tháng 6 năm 1955, bà Nguyễn Thị Chính (Thọ Hạc) giữ chức Chủ tịch. Từ tháng 7 năm 1955 đến năm 1957, ông Lê Văn Tuân (Đông Tác) giữ chức Chủ tịch. Tiếp theo là ông Đặng Sỹ Tuy (Thọ Hạc) giữ chức Chủ tịch năm 1958. Trong thời gian từ năm 1959 đến năm 1961, ông Đặng Sỹ Vinh giữ chức Chủ tịch. Tháng 4 năm 1961, xã thực hiện cuộc bầu cử HĐND 2 cấp (huyện, xã), tỷ lệ cử tri đi bầu đạt trên 98,1%, xã đã bầu được 17 ông, bà vào HĐND xã và ông Đặng Sỹ Vinh (Thọ Hạc) tiếp tục được bầu làm Chủ tịch. Từ năm 1962 đến năm 1964, ông Lê Văn Ngôn (làng Đông Tác) giữ chức Chủ tịch. Sau đó, ông Lê Văn Ngôn đi xây dựng kinh tế - văn hóa miền núi tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Năm 1965-1966, ông Đàm Tiến Bàn làm Chủ tịch UBHC xã.
Các đoàn thể được chăm lo củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng để đi vào hoạt động như:
Hội Phụ nữ: Chủ tịch Hội là bà Nguyễn Thị Mứt (làng Thọ Hạc), làm tốt công tác động viên chị em thực hiện phong trào “ba tốt”.
 Đoàn Thanh niên: Bí thư là anh Nguyễn Văn Vinh (làng Thọ Hạc), sau đó là anh Dũng, với phong trào “Ba ngọn cờ hồng”, Đoàn thanh niên xã xung kích trong phong trào ra quân làm thủy lợi đã đào đắp, nạo vét được 13.520 m3 đất, khoanh vùng quy hoạch lại đồng ruộng, đường nội đồng... và đã khoanh vùng nuôi bèo hoa dâu được 3 ha, góp phần thâm canh, tăng độ phì của đất, tăng diện tích và sản lượng lúa.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã do ông Nguyễn Văn Tuyến (làng Thọ Hạc), sau đó là ông Gụ (làng Đông Tác) làm Trưởng ban.
Hội Nông dân do ông Đặng Sỹ Thi (làng Thọ Hạc), sau đó là ông Trần Xuân Thủy (làng Thọ Hạc) làm Hội trưởng.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Đảng bộ từ ngày hòa bình lập lại (1954), đặc biệt là thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), nhân dân Đông Thọ đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, bộ mặt làng, xóm không ngừng được đổi mới. Nhân dân phấn khởi đi vào làm ăn tập thể, trong xã đã có trên 30% hộ gia đình có nhà ngói, sân gạch, các tiện nghi sinh hoạt tiện dụng; một số gia đình có xe đạp. HTX đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không ngừng tăng năng suất lao động, an ninh - quốc phòng thôn xóm được ổn định. Đông Thọ đã thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, hằng năm huy động giao nộp trên dưới 100 tấn thóc, hàng chục tấn lợn hơi, đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao.
Bị thua đau ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân, hải quân (từ tháng 2 năm 1965), với âm mưu: Phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến, làm lung lay ý chí chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, kích lệ tinh thần quân ngụy ở miền Nam. Chúng dựng nên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” (ngày 5 tháng 8 năm 1964) để kiếm cớ đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) là: “Nêu cao quyết tâm, động viên mọi lực lượng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh leo thang xâm lược của đế quốc Mỹ, trong bất kỳ tình huống nào nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.
Từ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đông Thọ đã quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết trong toàn Đảng bộ, đồng thời triển khai nhanh chóng các nội dung của nghị quyết xuống tới các tổ chức đoàn thể, đến từng xã viên và nhân dân trong xã, xác định quyết tâm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bảo vệ vững chắc hậu phương, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
1. Tình hình xã Đông Thọ trước khi bước vào cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (2-1965)
Về mặt địa lý - hành chính, xã Đông Thọ nằm trải dài như một vành đai ôm lấy thị xã Thanh Hóa, kéo dài từ Đông Bắc xuống phía Nam và toàn khu vực Tây Nam, Đông Nam tiếp giáp làng Nam Ngạn; Đông Bắc là cầu Hàm Rồng, Tây Nam là nhà ga, có đường Quốc lộ 1A và đường sắt chạy giữa lòng địa bàn xã. Cầu Hàm Rồng, mục tiêu quan trọng nhất, cách Đông Thọ không đầy nửa cây số theo đường chim bay. Đó là những mục tiêu mà không quân Mỹ đánh phá quyết liệt. Để bảo vệ các mục tiêu trên, ta đã bố trí các trận địa pháo cao xạ từ 14,5 mm đến 37 mm, từ 57 mm đến 100 mm được bố trí ở các điểm trong xã như: Trận địa Ao Nghè, Bàn Hạt, Cầu Hạc, Đồng Chấy, Đồng Đá (làng Thọ Hạc), Nghĩa Địa Tầu khu cánh đồng Đen làng Tân Thảo - Đông Thọ (nay là Phú Sơn), Đồng Báo, Đồng Cách, Cồn Vịt, Đồi Không Tên (Đông Tác)...
Lúc bấy giờ, Đảng bộ có 2 chi bộ với 64 đảng viên, Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Ngọc Vân làm Bí thư Đảng ủy. Như vậy, xã Đông Thọ là một địa bàn hết sức trọng yếu và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ sẽ diễn ra ác liệt ở đây. Đứng trước tình hình đó, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đông Thọ xác định quyết tâm và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ quê hương, với ý chí quyết thắng, nhằm đập tan âm mưu, hành động của kẻ thù.
2. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ
Vào cuối năm 1964, Ủy ban hành chính tỉnh và huyện Đông Sơn ra chỉ thị đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân. Thực hiện chỉ thị trên, Đảng ủy đã có nghị quyết lãnh đạo Ủy ban hành chính xã và các đoàn thể triển khai nghị quyết về chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, chỉ đạo nhân dân đào hầm, hào giao thông để trú ẩn và chuẩn bị chiến đấu.
Cùng với việc triển khai phòng không sơ tán, công việc đào đắp công sự, hầm hố cá nhân, tập thể được tiến hành khẩn trương. Xã Đông Thọ thành lập Ban sơ tán, Ban phòng không để tham mưu, đôn đốc công việc, do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, đồng chí xã đội trưởng và Chủ nhiệm các hợp tác xã làm ban viên; các trạm canh gác phòng không quan sát theo dõi, báo động bằng kẻng khi có máy bay Mỹ được thiết lập; nhân dân được tổ chức hướng dẫn và tập luyện phòng tránh, dưới sự chỉ đạo của dân quân thôn, xóm.
 Việc chỉ đạo và kế hoạch sơ tán trẻ em, người già, các trường học sinh ra khỏi những khu trọng điểm, những nơi gần mục tiêu, nơi trống trải mà địch dễ phát hiện. Công tác sơ tán được phân định thành 3 đối tượng, một là, đối với đối tượng không liên quan đến khả năng chiến đấu cần được bảo vệ; hai là lực lượng sơ tán tạm thời vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhiệm vụ sản xuất là trọng tâm; ba là đối với các hoạt động công, những nơi tập trung đông dân cư, nhất thiết phải sơ tán nhằm phân tán mật độ dân số, trụ sở sơ tán về các xóm, thuận tiện cho nhân dân quan hệ công tác. Mặt khác, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể vẫn bám sát địa bàn khi chiến sự xảy ra.
- Công tác phục vụ chiến đấu
Ngoài việc tổ chức sơ tán nhân dân, Đảng bộ luôn coi trọng và chỉ đạo kiên quyết nhân dân phải làm hầm hố trú ẩn ở từng gia đình, thôn xóm, tổ chức rút kinh nghiệm sau từng đợt địch đánh phá. Xã đội đánh giá lại việc xây dựng hầm hố, loại hầm nào đảm bảo ít thương vong để chỉ đạo thay đổi kịp thời. Thực tiễn cho thấy hầm chữ A có sức chịu đựng tốt hơn hầm đứng... Từ đó tổ chức hướng dẫn nhân dân, các cơ quan, đơn vị trong xã thực hiện quyết liệt.
Từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965, cơ bản các hầm hố trong gia đình và ngoài đường làng đã được chuẩn bị khá đầy đủ. Trong thời gian ngắn toàn xã đã đào đắp được 457 hầm chữ A, 276 hầm, hố cá nhân dọc đường. Ngoài đồng đào được 755m hào giao thông, gần 800m3 lũy đất che chắn trường học, gần 2.000m giao thông hào liên hoàn cho các lớp học sơ tán, chỉ đạo cho các nhà trường phát động làm được hơn 1.300 mũ rơm.
Tham gia cùng bộ đội chủ lực xây dựng các trận địa như: Đào đắp được 4 trận địa pháo 100 mm ở Đồng Báo, Đồng Cách, Cồn Vịt, Dọc Trung; 3 trận địa pháo 57mm, đắp 6 ụ súng 14,5mm, 12,7mm ở cầu Hạc, Tân Nam, đồi Không Tên, đồng Đá Cao, với 18.740 ngày công; tham gia đào hầm, đắp lũy Sở chỉ huy Trung đoàn 228, đây là trung đoàn chủ lực bảo vệ cầu Hàm Rồng với 1.200 ngày công, đào đắp hầm cho chuyên gia Liên Xô làm việc với 105 ngày công.
- Tổ chức lãnh đạo lực lượng dân quân chiến đấu
 Đông Thọ là một trong những mục tiêu trọng điểm của máy bay địch, do vậy việc xây dựng kế hoạch chiến đấu tại chỗ, cũng như phối hợp chiến đấu đều được chuẩn bị chu đáo bằng kế hoạch, cụ thể như: Thành lập Ban chỉ huy tác chiến, xây dựng hai đại đội dân quân tự vệ gồm 112 người, được huấn luyện cơ bản có hệ thống được chia thành 2 đội và hai tổ trực chiến bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh, mỗi tổ có 12 người; 2 đội cứu thương gồm 24 người, trong đó có 2 y sĩ, 4 y tá.
Xây dựng lực lượng hậu cần tại chỗ gồm 20 chị em là thanh niên, do Hội phụ nữ phụ trách, làm nhiệm vụ phục vụ cơm nước, lau chùi, khuân vác đạn, phục vụ bộ đội chiến đấu.
Ngoài ra Đoàn thanh niên còn tổ chức cho các chi đoàn, liên chi đội thiếu niên trong xã, các nhà trường chặt lá ngụy trang để các trận địa pháo thay ngụy trang hàng ngày cùng với việc nạo vét hào giao thông, cây chắn, trồng cỏ cho các thành công sự, ụ pháo...
- Phối hợp với lực lượng bộ đội cao xạ chiến đấu
Ngoài việc lên kế hoạch hiệp đồng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với các đơn vị pháo cao xạ về đứng chân tại địa phương, Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã chủ động huấn luyện 40 pháo thủ dự bị, đủ sức thay thế các vị trí pháo thủ, bộ đội chủ lực khi bị thương hoặc hy sinh cho tất cả các loại pháo cao xạ từ 14,5mm, 37mm, 57mm, thậm chí đến cả pháo trung cao 100mm.
Luôn bố trí đủ 20 thanh niên có sức khỏe tốt làm nhiệm vụ khuân vác đạn vào kho hoặc ra trận địa, trạm cứu thương cấp cứu thương binh, một đội mai táng để chôn cất những đồng chí bị hy sinh. Song song với công tác tổ chức chiến đấu phục vụ chiến đấu, ngay từ ngày đầu 3 - 4 tháng 4 năm 1965 các lực lượng được phân công đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt là trung đội dân quân Đông Tác do ông Mai Văn Ngọc là Trung đội trưởng đã chỉ huy bắn máy bay tầm thấp, tiếp đạn cứu thương, phục vụ chiến đấu một cách nhịp nhàng với các đơn vị bộ đội nên đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhiều cán bộ chiến sĩ, các cụ phụ lão, thanh niên được tặng thưởng Huy hiệu Bác như lão dân quân Lê Đăng Phụng, thiếu niên Lương Thị Tú, Nguyễn Văn Hợi và nhiều huy hiệu 5/8 (mùng 5 tháng 8) cho các chiến sỹ dân quân tự vệ trong xã. Đặc biệt, trung đội dân quân tự vệ làng Đông Tác, do ông Mai Văn Ngọc làm Trung đội trưởng được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Công tác bảo vệ hàng hóa, lương thực cho nhà nước
Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, địch đánh phá rất ác liệt khu vực ga Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng. Ngoài việc vận động nhân dân nhường nhà ở cho lực lượng thanh niên xung phong Đoàn 307 làm nhiệm vụ bốc xếp, giải phóng lương thực, đạn dược hàng hóa từ đường sắt về các kho, tận dụng các bãi, đình, chùa, các nhà đi xây dựng kinh tế, văn hóa miền núi để làm nhà kho chứa; dùng đường đi của làng làm đường vòng tránh sơ tán cho tàu hỏa vào giữa làng để bảo vệ hàng hóa khi bị địch đánh phá.
Tổ chức lực lượng dân quân cùng công an thị xã, công an đường sắt bảo vệ kho tàng, hàng hóa, bốc xếp, giải tỏa khi bị máy bay địch đánh phá, cứu chữa khi kho tàng, hàng hóa bị cháy.
Đặc biệt đêm 20 tháng 2 năm 1966, đoàn tàu chở đạn pháo 57mm và 100m phải dừng lại vì đoàn tàu quân sự đang bị kẹt ở cầu Hàm Rồng, không để cho máy bay địch bắn phá, lệnh sơ tán khẩn cấp trong đêm được ban hành. Trước tình hình đó, Đảng ủy đã tập trung huy động đông đảo nhân dân trong xã ra bốc xếp sơ tán, giải phóng được 24 toa xe với hơn 200 tấn đạn dược được tập kết về nơi an toàn, giải phóng thông đường. Ngay đêm đó, Đảng bộ và nhân dân Đông Thọ được Thư khen và được Tỉnh đội tỉnh Thanh Hóa tuyên dương công trạng đề nghị Chính phủ khen thưởng.
- Công tác tuyển quân (gọi thanh niên nhập ngũ) đã được Đảng bộ, chính quyền thực hiện nghiêm túc, phản ánh trung thực, hiệu quả, các năm điều vượt chỉ tiêu. Từ năm 1965-1975, khám và tiễn đưa được 549 thanh niên nhập ngũ, 76 thanh niên xung phong, 426 dân công hỏa tuyến, vận chuyển từ Thanh Hóa vào ga Hoàng Mai, vào Quảng Bình.
Có thể nói, trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, xã Đông Thọ có những thành tích to lớn trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo huyết mạch giao thông, bảo vệ tài sản của Nhà nước, cùng các đơn vị chủ lực pháo cao xạ chiến đấu anh dũng, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ.
3. Đảng bộ lãnh đạo công tác tiếp tục củng cố các hợp tác xã, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội
- Củng cố hợp tác xã, phát triển kinh tế
Đảng bộ tập trung quán triệt Nghị quyết của Huyện ủy Đông Sơn và có nhiều giải pháp để thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao, như đẩy mạnh các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho sản xuất, tất cả cho tiền tuyến”... Từ đó, ra sức chăm sóc lúa, hoa màu, đẩy mạnh công tác chăn nuôi, ao, chuồng, trại, mở mang ngành nghề thủ công, đào đắp mương máng thủy lợi, khoanh vùng bờ thửa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến công cụ sản xuất như chuyển từ cày chìa vôi sang cày 51, cấy thẳng hàng, làm cỏ bằng nạo cải tiến, phủ bèo hoa dâu mặt ruộng.
Quán triệt Nghị quyết 195, 197 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 08-NQ/HU Đông Sơn về việc thực hiện cuộc vận động tăng cường chế độ làm chủ tập thể ở nông thôn.
Các phong trào thi đua được triển khai, quán triệt kịp thời, thường xuyên đôn đốc, dưới sự giám sát, điều hành của Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã, các đoàn thể chính trị hưởng ứng sôi nổi như: Hội phụ nữ, Hội phụ lão, Đoàn thanh niên được gắn nội dung với đối tượng cụ thể, do vậy đã thu hút được đông đảo lực lượng quần chúng tham gia và đạt hiệu quả như: Phong trào “3 sẵn sàng” trong thanh niên, Phong trào “Chắc tay cày, vững tay súng”, “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “Tiếng hát át tiếng bom” của lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ.
Phong trào Xây dựng “Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ”, phong trào “Địch đánh ngày ta làm đêm”, “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”... được phát động rộng rãi và được hưởng ứng nhiệt tình ở mỗi người dân Đông Thọ, với ý chí quyết tâm“Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Ngoài các phong trào nêu trên, phong trào có ý nghĩa đích thực luôn được Đảng ủy quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát, đó là: Phong trào phấn đấu đạt 3 mục tiêu trong nông nghiệp: “Một lao động, 5 tấn thóc, hai con lợn trên một héc ta gieo trồng”, phong trào làm bèo hoa dâu, làm thủy lợi nội đồng, thực hiện “Sạch làng tốt ruộng”. Đó là phong trào chủ động thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích, tích cực chuyển đổi giống lúa có năng suất cao thay thế cho giống lúa truyền thống, năng suất thấp, như lúa Quyết Tâm, Bao thai lùn, Trân trâu lùn, NN5-NN8... Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền đã chỉ đạo thực hiện “Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt”, chủ động cử người đi học kĩ thuật về xử lý giống, cấy giăng dây, nạo cỏ cải tiến, cày 51, cấy ngửa tay, đúng lịch thời vụ, cùng với việc chăm sóc, phòng chữa bệnh gia súc, gia cầm. Do những cố gắng trên, xã Đông Thọ luôn được Huyện ủy Đông Sơn Khen ngợi là xã có bước đột phá cho việc thực hiện 3 đỉnh cao: Diện tích - Năng suất - Sản lượng.
Đảng ủy đã tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển sản xuất đi đôi với việc tăng cường củng cố các hợp tác xã nông nghiệp và các hợp tác Mua bán, Tín dụng, May mặc, các tổ dịch vụ khác.
Tiếp tục thành lập thêm hợp tác xã nông nghiệp (Tân Lập), Năm 1963 tiến hành sáp nhập các hợp tác xã xóm Đoàn, xóm Kết, Tân Nam thành một HTX Nông nghiệp gọi là HTX Nông nghiệp Đông Tác, do ông Mai Văn Lỡ làm Chủ nhiệm, ông Bang làm Phó Chủ nhiệm và ông Mừng làm kế toán.
Làng Thọ Hạc có 3 HTX sáp nhập lại thành một HTX. Ông Hợp, ông Thanh làm Chủ nhiệm, ông Cuốn, ông Đài Phó Chủ nhiệm. Chủ nhiệm qua các thời kỳ gồm: ông Đãi, ông Nắm, ông Vình, bà Hợp, ông Thạch; Phó Chủ nhiệm gồm: ông Nắm, ông Vinh, ông Tơ, bà Tiền, ông Thạch, ông Huyền, bà Ân; Kế toán trưởng gồm: Ông Cuốn, ông Mợi, ông Ngọc, ông Quân. Với tổng số hộ làng Thọ Hạc là 420 hộ, 800 xã viên HTX nông nghiệp. Tổng số hộ làng Đông Tác là 191 hộ, 356 xã viên HTX nông nghiệp, có 675 xã viên HTX Mua bán, 176 xã viên HTX Tín dụng.
Từ năm 1973-1975 và những năm tiếp theo do ông Mẵn làm Chủ nhiệm HTX Tín dụng. HTX Tín dụng đã giải quyết cho các HTX Nông nghiệp vay tiền, tạo điều kiện để HTX nông nghiệp hoạt động, cũng như đầu tư vào một số ngành nghề khác.
- Công tác văn hóa - xã hội, bảo vệ trị an
+ Giáo dục, y tế
Từ ngày hòa bình lập lại (1954) chỉ có một trường cấp I, từ lớp 1 đến lớp 4; các lớp 1, 2 chủ yếu học ở trong các đình, chùa hoặc những gia đình đi định cư miền núi; năm 1964 học ở cả 2 làng: làng Thọ Hạc và làng Đông Tác. Riêng một số học sinh lớp 3, 4 học tập trung tại phòng học được xây dựng trên nền chùa làng Thọ Hạc bị phá sau khi hòa bình lập lại, trường do thầy Nguyễn Hữu Thanh làm Hiệu trưởng.
Trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, các trường tổ chức phân tán, đào hầm đắp lũy, bện nùm rơm, mũ rơm để che đỡ mảnh bom, mảnh pháo. Khi địch đánh vào ban ngày rất ác liệt thì trường tổ chức học ban đêm, mỗi học sinh một cái đèn ló tự tạo từ ống luồng, có nắp che, tránh để phát ra ánh sáng, giữ bí mật ban đêm. Mặc dù chiến tranh ác liệt, học tập khó khăn, mô hình giáo cụ hầu như không có, song thầy trò đã khắc phục vươn lên để dạy tốt và học tốt. Với phương châm “Học để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào thi đua 2 tốt “dạy tốt, học tốt” luôn là động lực thúc đẩy thầy và trò trong dạy và học. Cho nên, trong những năm 1966-1967, 1974-1975, hai nhà trường luôn được huyện Đông Sơn và thị xã Thanh Hóa đánh giá cao và được công nhận Tổ, Đội, Đơn vị Lao động xã hội chủ nghĩa.
Trạm y tế được thành lập những năm 1958-1959 do bà Miên làm Trạm trưởng, bà Nguyễn Thị Tuyết làm Trạm phó, 2 y tá và 2 hộ lý. Trong những năm đầu, bệnh tật, vệ sinh chưa có điều kiện để chăm và điều trị; chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thuốc men rất hiếm, đặc biệt là những loại thuốc đặc trị. Song, đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên của Trạm luôn cố gắng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; khám thai, đỡ đẻ cho nhiều ca đảm bảo an toàn, sơ cứu và gửi lên tuyến trên hơn chục ca hiểm nghèo, cấp cứu kịp thời; trạm đã trồng được vườn cây thuốc Nam, điều trị theo phương thức sử dụng thuốc gia truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng.
Song song với công tác điều trị, chữa bệnh, Trạm y tế còn tham mưu cho Ủy ban hành chính xã phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh “ăn chín, uống sôi”, đào giếng khơi, xây dựng hố xí hai ngăn hợp vệ sinh, phong trào phòng bệnh hơn chữa bệnh được quan tâm và có hiệu quả cùng với phong trào “sạch làng, tốt ruộng” được tiến hành và duy trì tốt.
- Công tác văn hóa - thể dục thể thao, văn nghệ
 Để khích lệ, động viên nhân dân kịp thời, toàn xã đã lắp đặt được 8 loa sắt ở những điểm dân cư đông đúc để đưa các tin trong phong trào thi đua lao động sản xuất ở xã, huyện, tỉnh, đặc biệt là tin chiến thắng của quân dân 2 miền Nam - Bắc. Xã cũng tổ chức đội thông tin lưu động kẻ vẽ băng zôn, áp phích, khẩu hiệu trong các thôn, xóm trong xã; khi có sự kiện đột xuất được phát từ loa miệng ở các điểm chòi canh phòng không.
Đoàn thanh niên tổ chức một đội thanh niên xung kích, cùng với thiếu nhi tập văn nghệ tham gia phục vụ bộ đội ở các trận địa hoặc cùng bộ đội biểu diễn, phục vụ bộ đội và nhân dân với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”. Mặc dù trong bom đạn, song những giọng hò, điệu hát giao duyên đôi lứa hoặc những đêm đào đắp công sự câu hò sông Mã vẫn vang lên làm khuấy động lòng người.
- Về công tác an ninh
Thực hiện chủ trương của cấp trên về xây dựng lực lượng an ninh ở địa phương, từ giữa năm 1965, xã đã có chức danh Trưởng Công an do một Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã đảm nhiệm. Ngoài ra, còn có Phó Công an phụ trách hộ tịch hộ khẩu, đến năm 1971-1972 được tăng cường thêm một Phó Công an phụ trách phong trào xã; xây dựng mỗi xóm một tổ công an viên từ 3-5 người với nhiệm vụ là bảo mật, trừ gian, nắm bắt theo dõi người lạ mặt, kẻ buôn gian bán lận; tuần tra canh gác các kho tàng, cầu cống, các trận địa cao xạ, bảo vệ tài sản cho nhân dân đi sơ tán hoặc mỗi khi địch đánh phá oanh tạc vào địa bàn, cùng lực lượng dân quân cứu chữa người, nhà cửa và giải quyết hậu quả sau khi địch bắn phá.
4. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
- Công tác xây dựng Đảng
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ xã Đông Thọ, trong những năm từ năm 1966 đến năm 1975, Đông Thọ đã tiến hành 3 kỳ Đại hội Đảng bộ xã: Đại hội lần thứ XVI, XVII và XVIII. Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt, chính trị, tư tưởng và tổ chức, đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc.
Mỗi kỳ Đại hội là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sôi nổi, nghị quyết đề ra sát thực, tinh thần phê và tự phê bình luôn được đề cao; giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Từ đó, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ được nâng cao, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên luôn được phát huy, hiệu quả công tác tốt, được nhân dân tin tưởng.
Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI được tiến hành vào tháng 7 năm 1967, với tổng số 56 đảng viên tham dự, Đại hội đã bầu 7 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Thị Mứt được bầu làm Bí thư Đảng ủy.
Đại hội xác định hai nhiệm vụ lớn: Một là, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, trọng tâm là lương thực, thực phẩm, chi viện cho tiền tuyến và phục vụ bộ đội đóng quân trên địa bàn; hai là, xây dựng lực lượng dân quân đủ mạnh, phối hợp với bộ đội phục vụ chiến đấu và chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải, bảo vệ trật tự trị an xóm làng.
Đại hội lần thứ XVII được tiến hành tháng 1 năm 1971 (nhiệm kỳ 1971-1975), đã bầu 7 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Văn Đông được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Các Đại hội nói trên, Đảng bộ đã tổng kết việc lãnh đạo nhân dân địa phương trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp cho nhiệm kỳ mới, đó là: Đẩy mạnh sản xuất đạt 3 đỉnh cao về diện tích, năng suất, sản lượng; phát triển chăn nuôi. Các chi bộ và từng đảng viên phấn đấu đạt 4 tốt.
 Vào tháng 10 năm 1975, Đảng bộ đã tổ chức Đại hội lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 1975-1979), đồng chí Nguyễn Văn Đông được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Trong thời điểm miền Bắc vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27 tháng 1 năm 1973), miền Bắc đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Từ đó, Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định ăn ở, cho bà con sơ tán trở về; tập trung vào sản xuất làm ra của cải, hết lòng chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Công tác xây Đảng được Đảng bộ chăm lo trên các mặt: Củng cố tổ chức, giáo dục chính trị tư tưởng, công tác phát triển Đảng và đào tạo cán bộ. Đặc biệt sau khi Bác mất, Đảng bộ đã mở đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi học tập và làm theo Di chúc Hồ Chủ tịch, đồng thời với việc chăm lo, bồi dưỡng kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh. Kết quả đã kết nạp được 4 quần chúng vào Đảng.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị, lớp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tổ chức các lớp học tập cho đảng viên và công tác tuyên truyền trong nhân dân, được Đảng bộ quan tâm đúng mức, với tinh thần và quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, làm tròn nghĩa vụ là hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Nhận thức rõ điều đó, hằng năm, Đảng bộ có từ 80-90% đảng viên và chi bộ đạt 4 tốt - Đảng bộ luôn được Huyện ủy Đông Sơn, Thị ủy Thị xã Thanh Hóa công nhận đơn vị đạt 4 tốt. Số đảng viên kết nạp trong lớp đảng viên Hồ Chí Minh là 4 người; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ 6 đồng chí; số đảng viên đạt 4 tốt hằng năm đạt 86 - 88%, số chi bộ đạt 4 tốt từ 65 - 75%.
- Chăm lo xây dựng chính quyền và các tổ chức chính trị
Về chính quyền: Vào các năm 1965, 1966, đồng chí Đàm Tiến Bàn (Thọ Hạc) giữ chức vụ Chủ tịch UBHC xã.
Năm 1967-1968, đồng chí Lê Văn Lưu (Đông Tác) được bầu làm Chủ tịch UBHC xã.
Năm 1969, đồng chí Nguyễn Thị Hợp (Thọ Hạc) thay đồng chí Lê Văn Lưu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã.
Từ năm 1970 đến năm 1971, Chủ tịch UBHC xã là đồng chí Nguyễn Thị Mứt (Thọ Hạc).
Năm 1972-1975, đồng chí Mai Văn Lỡ (Đông Tác) giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, tiếp theo là bà Nguyễn Thị Hợp, Phó Chủ tịch là Nguyễn Quốc Tuân(1).
Đảng bộ luôn chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng, đủ tài năng, đức độ tham gia vào bộ máy lãnh đạo của xã; cho nên các cuộc bầu cử HĐND đã lựa chọn được những đồng chí xứng đáng vào HĐND, UBHC.
Ủy ban hành chính xã Đông Thọ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tổ chức động viên nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cũng như trong sản xuất. Đồng thời chi viện đầy đủ sức người, sức của cho chiến trường; góp phần bảo vệ các mục tiêu chiến lược về giao thông vận tải, kho tàng tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chấp hành pháp luật và làm tốt nghĩa vụ của địa phương, luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền, tỉnh, huyện, thị xã Thanh Hóa tặng nhiều bằng khen, xuất sắc cho tập thể và cá nhân có nhiều thành tích.
Các tổ chức chính trị như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ lão luôn được quan tâm tổ chức hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần tích cực trong thực thi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
5. Thành tích chi viện cho tiền tuyến giải phóng miền Nam
 Trong suốt 10 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Thọ đã thể hiện tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do vậy đã thực hiện tốt nghĩa vụ “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tuy địch đánh phá ác liệt, song không ngăn cản được ý chí quyết tâm của nhân dân xã Đông Thọ, mọi người vẫn bám làng, đồng ruộng để sản xuất, chiến đấu với tinh thần “địch đánh ngày, ta làm đêm”, phục vụ các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn.
Các phong trào “chắc tay cày, vững tay súng”, “có giặc là đánh, giặc đi ta tiếp tục sản xuất”... đã trở thành truyền thống trong mỗi người dân Đông Thọ. Từ quyết tâm đó, đồng ruộng vẫn được cấy trồng hết diện tích, năng suất cao. Bình quân hằng năm, Đông Thọ làm nghĩa vụ cho Nhà nước từ 200 đến 250 tấn lương thực, 40-50 tấn thực phẩm các loại, đặc biệt là việc nhân rộng mô hình “Ao cá Bác Hồ”. Có thể nói, Đông Thọ là mô hình điểm thành công của huyện, thị xã về việc nuôi cá thịt và cung cấp cá giống cho các đơn vị bạn, được tỉnh và nhiều đơn vị bạn về học tập.
Trong 21 năm chống Mỹ, cứu nước, xã Đông Thọ đã tiễn 549 thanh niên lên đường nhập ngũ, 54 thanh niên xung phong, 354 người tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu và sử dụng vào các công việc khi có yêu cầu; gần 100 người khỏe mạnh tham gia vào đội thồ hàng đi các điểm tập kết để chở vào miền Nam.
Đông Thọ có tới 77 người con đã hy sinh vì Tổ quốc được công nhận là liệt sĩ, 24 thương binh và nhiều bệnh binh. Đông Thọ đã được Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện và thị xã Thanh Hóa tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại cho tập thể và cá nhân; có nhiều đồng chí là cán bộ trung, cao cấp trong quân đội cũng như trong các cơ quan Đảng, chính quyền, có 1 bà mẹ được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Thành tích của 21 năm vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và xây dựng CNXH nói chung là đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân phường Đông Thọ. Song, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào của xã, Đảng bộ có lúc còn thiếu linh hoạt, nhạy bén, có công việc hiệu quả chưa cao; đời sống của nhân dân nói chung, bà con xã viên nói riêng được cải thiện nhưng chưa nhiều; việc chỉ đạo trong phòng tránh, bảo vệ dân, giải quyết hậu quả chiến tranh có lúc, có nơi chưa kịp thời. Nhưng với những thành tích đạt được là một bản anh hùng ca bất hủ, lưu danh đến muôn đời; thành tích đó được bắt nguồn và phát huy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha, của quê hương Đông Thọ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu hy sinh gian khổ của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân xã Đông Thọ đã biểu hiện tinh thần yêu nước, vì độc lập, tự do của dân tộc. Mười năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất và giành được thắng lợi to lớn đã tạo ra nguồn nội lực vô cùng quý báu để Đảng bộ và nhân dân xã Đông Thọ vững bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


(1). Xem thêm Phụ lục 1- Danh sách các Chủ tịch xã, phường Đông Thọ (Qua các thời kỳ).
image advertisementimage advertisement
image advertisementimage advertisement
image advertisement

BẢN QUYỀN SỬ DỤNG THUỘC PHƯỜNG ĐÔNG THỌ - THÀNH PHỐ THANH HÓA

Trưởng ban biên tập: Ông Đỗ Văn Trung Chức vụ: Chủ tịch UBND Phường Đông Thọ

ĐC: 05 Nguyễn Phúc Chu - phường Đông Thọ - Tp.Thanh Hóa - Tỉnh Thanh Hóa

Ghi rõ nguồn tin khi phát hành lại nội dung trên Cổng thông tin điện tử thành phố Thanh Hóa.

Chung nhan Tin Nhiem Mang