Đông Thọ nằm trong không gian của nền văn minh hạ lưu sông Mã hết sức rực rỡ, với những di chỉ khảo cổ học điển hình như núi Đọ, Đông Sơn, do vậy con người đã sớm đặt dấu ấn của mình trên vùng đất này.
Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX ghi:
Tổng Thọ Hạc là một trong 6 tổng của huyện Đông Sơn, có 29 xã, thôn, vạn, giáp gồm:
- Xã Đông Sơn: Gồm có thôn Đông, thôn Đông Sơn.
- Xã Đồng Côi: Gồm thôn Đồng Cầu, thôn Thổ Sơn, thôn Đại Côi.
- Xã Viện Sơn: Gồm thôn Hồ, thôn Viện Sơn
- Xã Vân Nhưng Thượng: Gồm thôn Định Hương, thôn Bái Thượng.
- Xã Phong Mỹ: Có Giáp Vĩnh Quần.
- Xã Đồng Hương: Gồm giáp Ngọc Huyền, giáp Mân Trung, Nam Ngạn, Vân Nhưng Thái, thôn Lễ Xá.
- Xã Bố Vệ: Gồm thôn Đồng Lễ, thôn Quốc Thích, Thọ Hạc, Ái Sơn, Vạn Ái Sơn, thôn An Biên, thôn Vệ Yên, thôn Kiều Đại, thôn Hương Bào Ngoại, thôn Dương Xá, thôn Mật Sơn, thôn Quảng Xá, thôn Phú Cốc, thôn Phú Cốc Hạ.
Theo sách Đồng Khánh địa dư chí, tổng Thọ Hạc có 19 xã, thôn, phường, vạn, giáp, gồm:
- Xã Thọ Hạc.
- Xã Viện Sơn: Gồm thôn Viện Sơn, thôn Ngọc Huyền, giáp Mân Trung, thôn Vĩnh Quần.
- Xã Vân Nhưng Thượng: Gồm thôn Hồ, thôn Bái Thượng.
- Xã Đông Khối: Gồm thôn Đại Khối, thôn Định Hương.
- Xã Nam Ngạn.
- Xã Vân Nhưng Thịnh (hay Thái)(2). - Xã Đông Sơn: Gồm thôn Đông Sơn, thôn Thổ Sơn, thôn Phúc Sơn, thôn Đông Tác, phường Thổ Oa.
Qua những sách trên cho thấy, đầu thế kỷ XIX xuất hiện tên Thọ Hạc nhưng thuộc xã Bố Vệ, đến cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện tên xã Thọ Hạc với loại hình nhất làng nhất xã, có nghĩa là 1 làng 1 xã không có thôn và khi ấy cũng mới xuất hiện tên Đông Tác nhưng thuộc xã Đông Sơn.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng đã chia 7 tổng cũ của huyện Đông Sơn thành 22 xã, trong đó có xã Đông Thọ. Xã Đông Thọ lúc này rộng lớn bao gồm các phường Đông Cương, Đông Sơn và Đông Thọ ngày nay.
Năm 1947, lại chia tách xã Đông Thọ thành 4 xã: Long Cương, Nam Sơn Thọ, Vân Sơn và Song Lĩnh.
Đầu năm 1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa quyết định chia lại đơn vị hành chính, huyện Đông Sơn được tổ chức thành 13 xã. 2 xã Đông Cương và Nam Sơn Thọ được sáp nhập thành xã Đông Thọ, 2 xã Vân Sơn và Song Lĩnh thành xã Đông Lĩnh.
Tháng 10 năm 1953, thực hiện chủ trương của cấp trên, huyện Đông Sơn được chia tách thành 25 xã, trong đó có xã Đông Thọ. Đông Thọ lúc này bao gồm: làng Thọ Hạc, làng Đông Tác, làng Nam Ngạn, Nghĩa Phương, Cầu Sâng, Ngõ Hàng Cá, Phú Thọ (hay còn gọi là xóm Tân Thảo, nay là Phú Sơn) và Quán Giò.
Ngày 28 tháng 8 năm 1971, Chính phủ ban hành Nghị định số 226/TTg chuyển các xã Đông Thọ, Đông Vệ, Đông Hương, Đông Hải thuộc huyện Đông Sơn và Quảng Thắng thuộc huyện Quảng Xương về thị xã Thanh Hóa.
Ngày 28 tháng 6 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/CP chuyển từ xã thành phường Đông Thọ, phường Đông Vệ và chia phường Nam Ngạn thành 2 phường: Trường Thi và Nam Ngạn. Đông Thọ trở thành phường từ đó.
Hiện nay, phường Đông Thọ có 20 khu dân cư:
1 | Phố Đình Hương | 11 | Phố Bắc |
2 | Phố Bà Triệu | 12 | Phố Tân Lập |
3 | Phố Cầu Hạc | 13 | Phố Trung |
4 | Phố Đoàn | 14 | Phố Nam |
5 | Phố Kết | 15 | Phố Đàm |
6 | Phố Thành Công | 16 | Phố Thắng |
7 | Phố Đội Cung 1 | 17 | Phố Lợi 1 |
8 | Phố Đội Cung 2 | 18 | Phố Lợi 2 |
9 | Phố Đội Cung 3 | 19 | Phố Đông Bắc Ga 1 |
10 | Phố Đội Cung 4 | 20 | Phố Đông Bắc Ga 2 |
Phường Đông Thọ được hình thành trên cơ sở của hai làng: Làng Thọ Hạc và làng Đông Tác.
* LÀNG THỌ HẠC
Nằm gần với làng Đông Sơn, nơi có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng của người Việt Cổ, làng Thọ Hạc được con người khai phá từ rất lâu đời. Nhưng tiếc rằng những ghi chép của sử sách đến nay không còn nữa, theo sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Thanh Hóa 1945 - 2000 thì làng Thọ Hạc được hình thành trong thời kỳ trị vì của triều Lý Thánh Tông (1054 - 1071). Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thì làng Thọ Hạc thuộc xã Bố Vệ, một trong bảy xã của tổng Thọ Hạc. Theo sách Đồng Khánh địa dư chí, cuối thế kỷ XIX ghi danh Thọ Hạc là Xã và tồn tại đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, gồm có 6 xóm là xóm Trung, xóm Nam, xóm Bắc, xóm Đàm, xóm Thắng, xóm Lợi. Đến năm 1953, làng Thọ Hạc thuộc xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn; đến năm 1971, xã Đông Thọ sáp nhập vào thị xã Thanh Hóa, Thọ Hạc cũng thuộc theo. Năm 1994, xã Đông Thọ chuyển thành phường vẫn tên Đông Thọ, hiện nay các xóm của làng Thọ Hạc được chuyển đổi và thành lập 8 phố: Trung, Nam, Bắc, Đàm, Thắng, Lợi I, Lợi II, Tân Lập.
Tên làng Thọ Hạc có tự bao giờ chưa được rõ, nhưng theo truyền ngôn thì làng Thọ Hạc ban đầu có tên là Thọ Hạc, sở dĩ có tên nôm na như vậy là vì đây là nơi sinh sống, quần tụ của loài chim Hạc trắng, dấu tích còn lại mà dân làng gọi là cánh đồng Triệc, Cồn bầy(1)... lại còn có cách giải thích khác rằng, hình thế của làng giống hình con chim Hạc. Theo những dấu tích còn lại thuộc làng Thọ Hạc như: Đình Mưu, Đồng Đen, Cồn Vua, Đàn Xã Tắc, Chùa Quảng Hóa, Khu Thái Miếu Nhà Lê, thì làng Thọ Hạc là một xã rộng lớn, bao gồm cả các phường: Phú Sơn, Đông Vệ, Ba Đình, Trường Thi, Điện Biên, Tân Sơn ngày nay.
Những cư dân đến sinh sống, lập làng sớm có dòng họ Trần Xuân, họ Lê Huy, họ Đàm, họ Nguyễn và Đặng Sỹ và sau đó là một số dòng họ khác.
Cũng như nhiều làng quê khác, Thọ Hạc bình lặng phát triển về mọi mặt bên dòng Hạc Giang, một nhánh của hệ sông Mã, từ núi Đọ chảy xuống. Đặc điểm nổi trội của đồng đất Thọ Hạc là vùng trũng bùn lầy, nổi lên nhiều cồn bãi mọc đầy lau sậy có diện tích rộng hẹp khác nhau; là vùng sinh thái cho các loài chim, đặc biệt nhiều bầy hạc về xây tổ sinh đẻ.
Vào thế kỷ XVIII, trên đường tiến quân ra Thăng Long tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng cầm đầu, Quang Trung đã dừng quân ở Thọ Hạc làm lễ thệ sư, quyết tâm tiêu diệt bọn xâm lược Mãn Thanh.
Theo lời các bậc tiền nhân kể lại thì vua Quang Trung - Nguyễn Huệ rất cảm kích trước thịnh tình đón tiếp của nhân dân Thọ Hạc, nhất là các cụ bô lão, nên Ngài đã tặng thêm chữ Thọ để ghép với chữ Hạc thành làng Thọ Hạc. Vùng đất của làng còn hai địa danh: Bãi Tầu Voi nơi tập kết voi (được gọi là ngõ Dụ Tượng), ngựa chiến và Bãi Dinh, nơi đóng quân và Trại chủ tướng (hiện nay là vùng đất Phố Lợi II và Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, tháng 9 năm Quý Hợi (1803) trong chuyến tuần du Thăng Long, vua Gia Long đã dừng chân 26 ngày đêm (ở Hành cung) để thăm thú và nhận thấy rằng: Thọ Hạc có trục giao thông quan trọng nối liền Bắc - Nam. Phía Nam có núi Mật Sơn, núi Long, phía Bắc có dãy núi Đông Sơn có Động Tiên Phủ, phía Tây có dãy núi Rừng Thông, các làng Sơn Viện, Vĩnh Quần, Vân Nhưng, núi Nhồi Vọng Phu, phía Đông có dòng sông Mã, nối liền ra biển Đông, nên nhà vua quyết định cho dời trấn thành từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương về làng Thọ Hạc, công việc di dời được thực hiện vào tháng 5 năm Giáp Tý, triều Nguyễn Gia Long (1804).
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi phát đi ngày 11 tháng 8 năm Giáp Thân (19-9-1884) nhân dân làng Thọ Hạc, quê hương của Tả dực Đô thống Trần Xuân Soạn, đã tự nguyện làm căn cứ tiền tiêu và hậu cần của nghĩa quân Cần Vương Thanh Hóa, trong việc mở trận tiến công “Gọi là chim Hạc về”, đánh vào thành Thanh Hóa, đêm mồng 6 rạng sáng mồng 7 tháng 5 năm 1886. Đây là trận tiến công quân sự đầu tiên của nghĩa quân Cần Vương Thanh Hóa chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất ở nước ta.
Bị đòn đau choáng váng, thực dân Pháp tàn sát dã man dân làng Thọ Hạc. Chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền đã thuật lại trong Giọt lệ bể dâu thảm thiết thương xót vô kể: Ngay tại tỉnh lỵ Thanh Hóa, chiều chiều dân làng sở tại Thọ Hạc, kể cả người già trẻ em đều bị xích tay đem ra phía nam ngoại thành, viên quan binh Pháp lại hạ lệnh quẳng dần từng người xuống sông Bố Vệ (Cầu Bố), thấy ai đã chìm xuống nước chúng nó vỗ tay vui cười, người nào còn ngoi ngóp vẫy vùng rẫy rụa, thì cho lính bắn, cứ như vậy suốt 3 - 4 tháng trời nước sông Bố Vệ đỏ ngầu như chảy máu, không ai còn dám qua lại lối này. Riêng Ông Trần Xuân Huấn theo anh là Trần Xuân Soạn làm cách mạng Cần Vương, chúng bắt được tra tấn rất dã man, hăm dọa nếu không khai báo người anh ở đâu sẽ giết cả họ và đào mồ ông bà tổ tiên lấy hài cốt đổ xuống sông, nhưng ông kiên quyết không khai báo, buộc chúng đem ra cầu Hạc xử bắn.
Thế hệ trước còn truyền lại cho thế hệ sau mối thù truyền kiếp không đội trời chung đối với giặc Pháp. Có lần để tránh giặc vây ráp càn quét, dân làng Thọ Hạc đã trốn vào hang núi Mật Sơn, giặc biết tin liền vây hãm, dùng rơm rạ chất đầy hai cửa hang hun khói ngạt thở, người bị cháy mà chết. Do đó dân làng còn lưu truyền câu: Làng Mật và Thọ Hạc rúc trốc vô hang - Chết cả hai làng làm giỗ một ngay (các từ cổ: Trốc là đầu, ngay là ngày). Đúng ra là giặc giết cả làng, nhưng phải nói tránh là chết cả làng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1946 - 1954) làng Thọ Hạc, là nơi đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội. Với lòng yêu nước sâu sắc, yêu độc lập tự do vừa giành lại được nhân dân Thọ Hạc một lòng theo lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến kiến quốc thắng lợi, bằng những việc làm hết sức ý nghĩa hiệu quả, như mua công trái quốc gia, góp đồng, vàng, ủng hộ quỹ cho Đảng, tòng quân giết giặc. Chi viện cho tiền tuyến vượt quá khả năng của mình cả nhân tài vật lực; thi đua diệt dốt, cứu đói; xây dựng hậu phương vững mạnh để tiền tuyến ăn no đánh thắng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) làng Thọ Hạc có Quốc lộ 1A chạy qua, phía Đông Bắc là cầu Hàm Rồng, phía Tây Nam là thị xã và ga tàu hỏa, ba bề bốn bên là mục tiêu đánh phá của địch. Đường làng lúc đó (nay là đường Lý Nhân Tông) được làm đường sắt và ga dã chiến, nơi đậu của đầu máy tàu hỏa, là mục tiêu địch ném bom, bắn phá, làng phải hứng chịu biết bao bom đạn, người chết, gia đình bà Nhạn cả 5 mẹ con bà cháu đều bị chết vì bom tọa độ của giặc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã, dân làng Thọ Hạc góp người, góp của, góp công cùng ngành đường sắt làm nên đường sắt dã chiến trung chuyển hàng hóa dân dụng, vật tư, quốc phòng, lương thực, thực phẩm, thuốc men vận chuyển vào chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ xâm lược, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Làng Thọ Hạc có sinh hoạt văn hóa cổ truyền lâu đời thành truyền thống quý giá, thông qua những sinh hoạt cộng đồng, biểu hiện tập trung trong việc thờ cúng Thành Hoàng làng và Lễ hội. Làng tôn lập Thần Hoàng làng với duệ hiệu là Tham Xung Tá Quốc, húy Lê Hiển. Ngài là con trai Lê Ngọc, hay gọi là chàng Út Đại Vương có công đánh giặc cứu dân, nên làng lập đền thờ (nay là xóm Sở khu ga Thanh Hóa). Đây là quần thể văn hóa cổ xưa nhất của Thọ Hạc cổ. Sau cồn Mưu là cồn Rùa, xứ đồng Rùa xưa, các cụ trong làng lập miếu thờ thần Kim Quy gọi là đồng Rùa (hiện công ty Đông Bắc đang sử dụng). Cồn Đen xứ Đồng Đen có ngôi chùa Quảng Hóa, của làng. Khu này nằm cạnh con sông Hà, sau bị bom Mỹ phá, rồi làm bãi để kho hàng gọi là Tổng kho (giờ đơn vị bộ đội làm trạm xá và T20 bộ đội đang đóng doanh trại trên đất Chùa, Chùa chỉ còn lại một số ngôi xá lỵ của các nhà sư. Phần lớn đất Chùa còn lại đang làm bãi bóng và khu chăn nuôi của doanh trại bộ đội). Cạnh Cồn Đen là khu Thái Miếu xưa (sau đó là khu Xí nghiệp ô tô vận tải Thanh Hóa và nay là khu trường lái và Công ty bao bì đang sử dụng). Khu này vốn là một quần thể tế lễ của dân làng. Sau này, làng lập thêm khu chùa Thọ Lão thờ Phật Di Lặc, phủ thờ Mẫu và nghè thờ tam vị thần tại xóm Trung của Thọ Hạc là: Tham Xung Tá Quốc (Đức Thánh Lưỡng); thứ hai là ngài Nguyễn Hữu Luân là tướng cầm đầu quân đội triều Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786); thứ ba là ông Nguyễn Tạo (1618) đỗ tiến sỹ khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670) đời vua Huyền Tông, làm quan đến chức Công khoa cấp sự trung, có bia khắc ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội (nay là khu nhà mẫu giáo đang đóng trên đất Đình).
Triều Thiệu Trị, Thọ Hạc còn được đặt tên một chiến thuyền bọc bằng đồng, do nhân dân Thanh Hóa đóng xong, gửi về triều đình Huế. Ngày 14 tháng 4 năm 1845, chiến thuyền mang tên Thọ Hạc cùng với 4 chiến thuyền khác Kim Long, Phan Bằng, Lĩnh Phương, Văn Long, đang đậu ở vùng biển Sơn Trà - Đà Nẵng thì bị thủy quân Pháp phát hiện, chúng nổ súng tiến đánh rất ác liệt, song 5 chiến thuyền của nước Đại Việt đã cùng với quân dân và đồn ải xung quanh trút đạn lên tàu Pháp bốc cháy, nhiều binh lính thủy thủ bỏ mạng, buộc quân Pháp phải rút lui.
Ham học, đỗ đạt, thành danh cũng hết sức tiêu biểu của Thọ Hạc, trong làng có hai người đậu hương cống là ông Nguyễn Định, ông Lê Xuân Hồ cùng một khoa thi năm Chính Hòa thứ 23 (1702). Hai người đậu cử nhân là ông Lê Huy Điệu, Khoa Tân Tỵ, năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và ông Lê Nguyên đậu Khoa thi năm 1907 triều Duy Tân, đặc biệt có ông Nguyễn Tạo đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời vua Lê Hiển Tông.
Thành danh bằng con đường võ nghiệp có ông Nguyễn Bá Luân được phong Tráng tiết tướng quân, Trấn nội cơ hữu; Trần Xuân Soạn được phong chức Tả dực đô thống tướng quân, nhất phẩm triều đình, ông cùng Tôn Thất Thuyết đứng đầu phái chủ chiến chống thực dân Pháp trong triều đình Huế, đặc phái chỉ đạo phong trào Cần Vương Thanh Hóa.
Qua truyền thuyết và sử sách, ghi nhận làng Thọ Hạc là một làng cổ, được con người khai phá từ rất sớm, trở thành địa danh nổi tiếng trong lịch sử, gắn liền với sự phát triển và trưởng thành của phường Đông Thọ nói riêng và thành phố Thanh Hóa nói chung. Trong sự nghiệp dựng và giữ nước của dân tộc, nhất là trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước và sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
* LÀNG ĐÔNG TÁC
Làng Đông Tác có cách đây hàng ngàn năm, nằm trong không gian của nền văn hóa Đông Sơn, mang sắc thái nền văn minh lúa nước.
Đầu thế kỷ XIX, được gọi là thôn Đồng Cầu, thuộc xã Đồng Côi, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn. Cuối thế kỷ XIX (niên hiệu thời Đồng Khánh nhà Nguyễn) đổi thành làng Đông Tác thuộc xã Đông Sơn. Trước năm 1945, Đông Tác tồn tại với tư cách là 1 xã trong hệ thống chính quyền của triều Nguyễn. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Đông Tác thuộc xã Đông Thọ, nay là phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa.
Địa giới làng Đông Tác được phân định: Phía Đông giáp làng Nam Ngạn, phía Tây Bắc giáp làng Định Hòa, phía Bắc giáp làng Đông Sơn có dãy núi Rồng làm ranh giới, phía Tây giáp làng Thọ Hạc. Đầu làng có đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua.
Hiện nay, ở Đông Tác có tới 50 dòng họ từ mọi miền Tổ quốc về đây sinh sống, trong đó có 4 dòng họ đến sớm hơn, đó là họ Cao, họ Lê, họ Đàm và họ Nguyễn, tiếp đến là họ Lương, họ Trần, họ Mai.
Trải qua qúa trình phát triển mở rộng của đô thị, trên mảnh đất Đông Tác xưa có 3 xóm: Xóm Đoàn, xóm Kết, Tân Nam, nay đã hình thành 6 xóm phố gồm: Đình Hương, Cầu Hạc, Bà Triệu, Phố Đoàn, Phố Kết, Thành Công.
Tương truyền, năm 1789, Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, qua đất Thanh Hóa, có dừng quân tại đây để chiêu mộ quân lương. Nên cánh đồng Cách có gò cao tên là Quần Ngựa (nơi nhốt ngựa của đại quân). Sau chiến thắng ông lên ngôi vua, đến khi ông mất, nhân dân trong vùng lập đền thờ ông lấy tên là đền Long Nhương.
Tương truyền, trong đoàn quân có vị tướng quân tiên phong mở đường, bắc cầu để nghĩa quân thần tốc là người Đông Tác. Sau chiến thắng vị tướng ấy mất, ứng nghiệm được lập làm Thành hoàng thờ trong đình làng. Được vua phong duệ hiệu là “Kiều lộ Đại Vương Thượng Đẳng Thần”.
Hằng năm có hai kỳ (Xuân - Thu nhị kỳ) là rằm tháng Hai và rằm tháng Tám âm lịch, làng mở hội tế lễ, ca hát vui chơi 3 - 4 ngày.
Cuối triều Nguyễn, việc học hành cũng được phát triển, trong làng đó có 2 người đậu tú tài(1), 2 người đậu thành chung, 8 người đậu sơ học yếu lược, 20 người đọc thông viết thạo chữ Hán. Có gia đình 3 người học đậu tú tài và thành chung. Phía sau làng có một khu bia văn chỉ ghi danh những người học hành đỗ đạt, tước vị mà nhân dân của làng gọi là “khu nhà Thánh”. Làng Đông Tác kết chạ với làng Dủn, xã Đông Khê, 3 năm mời nhau giao lưu ẩm thực một lần.
Năm 1892, một nhà hào phú làng Đông Tác tên là Cao Nguyên Vĩ đã cung tiến một số tiền lớn để xây dựng nhà thương Thanh Hóa.
Trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, trong làng có ông Lê Nguyên Thành đậu tú tài đã cùng với một số nhà nho yêu nước khác trong vùng bị bọn giặc Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Sau khi tha về, giặc mời ra làm quan nhưng không chịu và về nhà tu tại gia để phản đối chúng.
Đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tham gia phong trào thi đua ái quốc, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Ngày sản xuất, đêm học bình dân, đảm phụ quốc phòng, hũ gạo tiết kiệm, đóng thuế nuôi quân, tòng quân giết giặc, công trái quốc gia, phòng gian bảo mật, huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng du kích bảo vệ thôn xóm.
Làng Đông Tác trở thành hậu phương vững chắc, nhiều cơ quan về đây đóng trụ sở, là nơi tiếp nhận tập kết lương thực để đưa xuống thuyền chuyển đi các chiến trường. Đồng thời cũng là nơi các đơn vị quân đội chủ lực thường xuyên về an dưỡng, huấn luyện sau mỗi chiến dịch. Vào hồi 18h ngày 29 tháng 5 năm Canh Dần (1950), giặc Pháp đã cho 3 máy bay đến ném bom vào làng làm chết 29 người, hơn chục người bị thương, hơn bốn chục ngôi nhà bị hư hại và hàng chục con trâu bò bị chết (có gia đình 3-4 người đều bị giết hại).
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ cho máy bay leo thang đánh phá miền Bắc. Cánh đồng Đông Tác là nơi đặt các trận địa pháo phòng không, từ 12,7 ly đến 100 ly và sở chỉ huy Trung đoàn 228 đóng quân tại làng. Nhân dân Đông Tác đã tham gia cùng với các đơn vị bộ đội đào đắp xây dựng trận địa, công sự hàng ngàn ngày công. Trung đội dân quân được củng cố tăng cường, ngoài phục vụ chiến đấu còn trực tiếp phối hợp, tham gia chiến đấu với các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng và các trọng điểm giao thông, kinh tế quan trọng ở địa phương.
Hai ngôi đình và chùa cùng một số hộ dân trở thành kho vũ khí, đạn dược. Mỗi khi có đoàn tàu chở vũ khí hàng hóa về thì mọi người dân trong làng không kể tuổi tác, gái trai đều tham gia vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm về nơi tập kết an toàn.
Đặc biệt trong trận chiến đấu ngày 3 - 4 tháng 4 năm 1965, với lực lượng tổng hợp, quân dân anh dũng hiệp đồng chiến đấu cùng bộ đội, đánh thắng ngay từ trận đầu với không lực Hoa Kỳ. Trên các trận địa khu vực Đông Tác của Trung đoàn 228, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đoàn thể nhân dân của làng Đông Tác đều tham gia phục vụ chiến đấu chuyển pháo, vác đạn, gánh nước, lấy lá ngụy trang... Trong hai ngày chiến đấu anh dũng, dân quân Đông Tác đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; 56 huy hiệu 5/8. Tiêu biểu là trung đội trưởng Mai Văn Ngọc, Nguyễn Thị Sặp người phụ nữ can đảm, Lê Minh Phụng người già vác đạn tích cực, Nguyễn Văn Hợi và Lương Thị Tú hai thanh niên dũng cảm được Bác Hồ tặng huy hiệu.
Với địa thế là khu trung tâm của các đầu mối huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến và các trận địa quan trọng bảo vệ khu vực, nhân dân làng Đông Tác đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Ngày 8 tháng 8 năm 1966, máy bay Mỹ đã điên cuồng ném bom vào đình làng Đông Tác, giết hại 31 người và làm nhiều người bị thương. Ngôi đình cổ kính của làng bị san phẳng, hơn 30 nóc nhà bị sập nát.
Suốt cuộc chiến tranh, làng Đông Tác đã bị hàng chục lần đánh phá. Ngôi đình và chùa bị phá hủy sập nát, hơn 300 nóc nhà bị hư hỏng, hơn 40 con trâu bò bị chết. Chiến tranh đã cày nát xóm làng, đồng ruộng. Với hàng trăm hố bom các loại, gần 100 người con của làng chết và bị thương.
Chiến tranh kết thúc, nhân dân Đông Tác bắt tay vào xây dựng quê hương từ đổ nát trong chiến tranh. Nhân dân Đông Tác luôn năng động, mạnh dạn đi đầu trong phong trào sản xuất, thâm canh tăng vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng rau màu vụ Đông phát triển những năm 80, đến nay lại có thêm hơn 10 ha trồng hoa và cây cảnh, đem lại hiệu quả gấp 5-6 lần trồng lúa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Cái tên làng lúa, làng hoa Đông Tác cũng có từ đó, được nhiều cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân trong tỉnh, nhắc đến. Trồng hoa và kinh doanh hoa đã đem lại cho nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả và giàu có.
Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, giúp đỡ của UBND phường, sự hỗ trợ của một số cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, phát huy nội lực của nhân dân và lòng hiếu nghĩa của con em trong làng, đang sinh sống, công tác trên mọi miền của Tổ quốc, đã đóng góp vật liệu, tiền mặt với giá trị hơn 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công. Sau 3 tháng lao động tích cực, nhân dân Đông Tác đã hoàn thành xây dựng ngôi nhà văn hóa trên nền đình làng xưa. Ngày 2 tháng 9 năm 2002, cán bộ và nhân dân Đông Tác tổ chức lễ khánh thành trọng thể nhà văn hóa đầu tiên của Đông Thọ.
Nhà văn hóa Đông Tác còn có cung thờ Thành hoàng làng; bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ con em của làng đã hy sinh vì nước; bia tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã bị giặc Pháp, giặc Mỹ giết hại trong 2 cuộc kháng chiến.
Để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của làng, phát huy cái hay, cái đẹp cho hôm nay và mai sau, dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, cán bộ và nhân dân Đông Tác quyết tâm phấn đấu vươn lên, khắc phục những khó khăn và những biểu hiện tiêu cực, xây dựng làng Đông Tác có cuộc sống giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc.
(3).
Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, NXB KHXH, HN 1981, do Dương Thị The và Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, trang 111. Theo sách trên, huyện Đông Sơn có 6 tổng, 145 xã thôn, trang, vạn, giáp, sở, phường. Tổng Thọ Hạc là 1 trong 6 tổng của huyện Đông Sơn.
(1). Sách ghi huyện Đông Sơn có 9 tổng, 147 xã, thôn, sở, phường, giáp, vạn, tổng Thọ Hạc là 1 trong 9 tổng của huyện Đông Sơn. Sách được làm vào đời Nguyễn Cảnh Tông (1885-1889), có 2 niên hiệu Hàm Nghi và Đồng Khánh. Niên hiệu Đồng Khánh từ ngày 7 tháng 11 năm 1885 đến ngày 28 tháng 11 năm 1889.
(2). Xã Vân Nhưng Thịnh từ đầu đời Tự Đức về trước là xã Vân Nhưng Thái. Năm Tự Đức thứ 14 (1861) vì kiêng chữ Thái là tên húy của Chúa Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái nên đổi thành Thịnh.
(1). Cuối thế kỷ XIX, thôn Đông Tác vẫn thuộc xã Đông Sơn. Đầu thế kỷ XIX, xã Đông Sơn có thôn Đông và thôn Đông Sơn, phải chăng thôn Đông là thôn Đông Tác.
(1). Xã Đông Cương còn có làng Hạc Oa - tổ chim hạc.
(2). Phạm vi địa giới của xã Thọ Hạc ghi được căn cứ và tính từ khi làng Thọ Hạc được sách
Đồng khánh địa dư chí ghi thành xã (cuối thế kỷ XIX) đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Cũng theo sách trên, các địa danh thuộc các phường ngày nay kể trên không được ghi danh ở các xã Viện Sơn, Văn Nhưng, Đông Khối, Nam Ngạn, Văn Nhưng Thịnh, Đông Sơn, thuộc tổng Thọ Hạc nên chỉ có thể thuộc vào Thọ Hạc. Tuy nhiên, làng Thọ Hạc bị cắt bớt diện tích khi đời Gia Long lấy làm trấn thành (1804).
(1). Thêm một sự giải thích về tên gọi Thọ Hạc theo truyền thuyết dân gian, nên ghi nhận lại thêm sự phong phú và đa dạng.
(1). Làng Đông Tác ghi nhận là vậy, song điều tra qua sách vở chưa tìm thấy, chỉ mới ghi nhận có tú tài Lê Nguyên Thành.