Trong qúa trình vận động và phát triển, phường Đông Thọ, với hạt nhân là làng Thọ Hạc, làng Đông Tác xưa, luôn biến đổi không ngừng, trên con đường đô thị hóa (1). Song về cơ bản, những truyền thống tốt đẹp được hình thành trong lịch sử, vẫn được lưu giữ và tồn tại cho đến ngày nay
1. Truyền thống lao động cần cù sáng tạo
Đây là truyền thống vô cùng qúy báu, làm cơ sở cho sự tồn tại và sáng tạo nên những giá trị khác và ngay cả bản thân con người.
Trước khi hình thành nên phố, nên phường đời sống kinh tế của cư dân Đông Thọ là nông nghiệp trồng lúa nước, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi, mang nặng tính tự cấp, tự túc. Để có được làng xóm trù phú, đồng ruộng tốt tươi, những cư dân đến đầu tiên và ngày càng thêm đông đúc, bởi sự lớn lên của các dòng họ và sự nhập cư, đã trải qua qúa trình dựng ấp, lập làng khai phá, cải tạo đồng ruộng. Đó là qúa trình hết sức gian lao vất vả của từng chủ thể và của cả cộng đồng làng xã, đồng lòng hợp sức, cùng nhau chinh phục tự nhiên, mà chủ yếu là các công trình thủy lợi, dẫn thủy nhập điền, chống bão lụt bảo vệ làng xóm, hoa màu. Việc làm đó là một qúa trình lâu dài, trải qua nhiều thế hệ, nhiều đời tạo dựng nên. Qúa trình ấy hun đúc nên truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của cư dân xã Đông Thọ, để làm ra những sản vật, phục vụ đời sống và một phần trao đổi lấy những nhu yếu phẩm cần thiết.
Bên cạnh nghề nông, trong lúc nông nhàn hoặc nhằm phục vụ cho trấn thành(1), cho sự giao lưu, trao đổi hàng hóa với tư cách là trung tâm tỉnh lỵ, nhân dân Đông Thọ còn sáng tạo hoặc du nhập những nghề thủ công rất nổi tiếng. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo ấy đã mang lại những sản vật, ngoài lúa gạo, ngô, khoai, sắn, đậu (các loại), lạc vừng..., phải kể đến những sản vật nổi tiếng của tỉnh Thanh đó là: Cà Thọ Hạc, hương hàng Hương.
Những truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của người Đông Thọ từ xưa tới nay như: Chế tác các loại đồ dùng, trang sức bằng đá, bằng đồng, làm ra các sản phẩm như: Đúc trống đồng Đông Sơn, những chiếc rìu... phục vụ cho sinh hoạt; những mũi tên, mũi mác phục vụ cho săn bắn, tự vệ...; những vòng tay, khuyên tai được làm từ đá để làm đồ trang sức...; những vại cà muối trường ăn quanh năm vẫn giòn, ngon, những hương que, hương vòng, trầm thơm, chum, vại, tiểu sành, được nung nấu kỹ thuật phục vụ sinh hoạt và trong công nghiệp nổi tiếng được ưa chuộng một thời. Các ngành nghề khác như: Cơ khí, thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
Với truyền thống ngành nghề được lưu truyền qua nhiều đời, người dân Đông Thọ còn biết chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, nhằm đem lại cuộc sống mưu sinh cũng như đóng góp xã hội tốt nhất, như phá thế độc canh cây lúa, phát triển ngành nghề trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm, có giá trị kinh tế cao; dịch vụ cơ khí, xây dựng, thương mại, dịch vụ vừa và nhỏ đáp ứng với nhu cầu và thị hiếu của thị trường đương đại.
Bằng những bàn tay, khối óc lao động sáng tạo, người dân Đông Thọ đã tạo nên một cơ ngơi khang trang, bề thế, từ điện, đường, trường, trạm, công sở làm việc, các công trình dân sinh. Đời sống ngày một nâng cao, ấm no hạnh phúc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, cả vật chất lẫn tinh thần. Góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
2. Truyền thống đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong tình làng nghĩa phố
Như đã trình bày trên, trong lao động chinh phục tự nhiên, dựng ấp, lập làng, người dân Đông Thọ đã đoàn kết tương trợ lẫn nhau mới hoàn thành được sự nghiệp ấy, đã tạo nên cộng đồng làng xã bền chặt, gắn liền với qúa trình phát triển đi lên, đó là một tất yếu lịch sử.
Mặt khác, mối quan hệ họ hàng, dòng tộc, huyết thống làm nền tảng, càng làm cho sự đoàn kết yêu thương nhau, vì nhau trường tồn vĩnh cửu. Người xưa có câu “Máu loãng còn hơn nước lã - chín đời còn hơn người dưng” là vậy.
3. Truyền thống hiếu học trọng nhân tài
Hiếu học là truyền thống tốt đẹp của nhân dân Đông Thọ. Tiêu biểu cho truyền thống ấy là những người đỗ đạt thành danh, được dân làng trọng vọng, đó là:
- Ông Nguyễn Tạo (người làng Thọ Hạc) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Tuất (1670), niên hiệu Cảnh Trị thứ 6, đời vua Lê Huyền Tông.
- Ông Nguyễn Định (người làng Thọ Hạc), đậu hương cống, khoa thi hương năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) triều Lê Hy Tông.
- Ông Lê Xuân Hồ (người làng Thọ Hạc), đậu hương cống, khoa thi hương năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) triều Lê Hy Tông.
- Ông Lê Huy Điệu (người làng Thọ Hạc) đậu cử nhân, khoa thi năm Tân Tỵ, niên hiệu Minh Mạng thứ 2 (1821) triều Nguyễn Thánh Tổ.
- Ông Lê Nguyên (người làng Thọ Hạc), đậu cử nhân, khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân năm thứ nhất (1907).
- Ông Lê Nguyên Thành (người làng Đông Tác), đậu tú tài.
Những người tài giỏi, kinh bang tế thế của làng Thọ Hạc vẫn được truyền tụng, ngợi ca muôn thuở, như ông Trần Xuân Soạn, làm quan tới chức Tả dực Đô thống tướng quân, hàm nhất phẩm triều đình; như Tráng tiết tướng quân Nguyễn Bá Luân... Tôn trọng yêu qúy những người đỗ đạt, những người tài giỏi còn được thể hiện trong hương ước của các làng (xã) thông qua những quy định, như miễn phu phen, tạp dịch, được ngồi ngang với các vị tiên thứ chỉ, quan viên chức sắc trên chiếu đình làng. Thậm chí vợ con cũng được thơm lây, gọi là mợ tú, bà tú, mợ cử, bà cử hết sức trang trọng.
4. Truyền thống yêu quê hương, đất nước, chống ngoại xâm
Cần cù, thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất để sinh sống và tạo dựng làng quê ngày một giàu đẹp, bình yên là truyền thống vô cùng quý giá của nhân dân Đông Thọ. Song, người dân làng xã ở Thọ Hạc, Đông Tác xưa luôn bị nạn trộm cướp, giặc giã đe dọa. Để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ quê hương, người dân Đông Thọ đã đoàn kết một lòng, chiến đấu chống lại kẻ thù. Điểm lại tiến trình lịch sử của xứ Thanh, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó.
Mùa xuân năm 248 (sau công nguyên), Triệu Thị Trinh, người con gái xứ Thanh, phất cao cờ nghĩa từ căn cứ Na Sơn (Triệu Sơn), tiến đánh thành Tư Phố (Thiệu Dương), tiêu diệt quân Ngô, giành quyền tự chủ. Tuy sử sách không chép lại rõ ràng, song với góc nhìn địa - lịch sử thì vùng đất Đông Thọ là nơi tập kết quân lương chuẩn bị đánh thành.
Đầu thế kỷ thứ X, ở trấn Giàng, xuất hiện người hùng tài kiệt xuất Dương Đình Nghệ, nuôi 3.000 nghĩa tử trong nhà, theo đuổi chí hướng giành độc lập dân tộc. Tháng 3 năm 931, ông đem quân bản bộ xứ Thanh, tiến ra thành Đại La (Hà Nội), đánh đuổi quân Nam Hán (thứ sử Lý Tiến) khỏi bờ cõi, tự xưng Tiết độ sứ, mở đầu cho sự nghiệp chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. Và Ngô Quyền - vừa là bộ tướng vừa là con rể - đã hoàn thành sự nghiệp ấy.
Vùng đất Đông Thọ cách trấn thành (Thiệu Dương) không xa, chừng 5km. Những sự kiện lịch sử ấy, người dân Đông Thọ hưởng ứng, tham gia trực tiếp vào công cuộc diệt thù và là nguồn cung cấp quân lương, hậu cần vững chắc.
Điển hình nhất là hai lần Quang Trung - Nguyễn Huệ - hành quân ra Bắc: Lần thứ nhất vào tháng 5 năm 1786, với ngọn cờ phù Lê, diệt Mạc; lần thứ 2 vào tháng 4 năm 1789, hành quân thần tốc, tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giữ yên nền độc lập. Lần thứ hai ông đã dừng quân đóng đại bản doanh tại làng Thọ Hạc, tuyển thêm binh lính, làm lễ duyệt binh, khích lệ tướng sỹ, trước khi tiến quân ra Thăng Long.
Các địa danh còn lại khi Quang Trung về đóng quân ở làng Thọ Hạc như: Bãi Tàu Voi - nơi tập kết voi, Bãi Dinh - nơi đóng bản doanh (nay là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phố Lợi II), Cồn Vua - nơi vua Quang Trung dừng chân... Làng Đông Tác còn lưu dấu gò Quần Ngựa, nơi nhốt ngựa của đại quân.
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ngày 11 tháng 8 năm Giáp Thân (1885), nhân dân Thọ Hạc - quê hương của Tả dực Đô thống Trần Xuân Soạn (người làng Thọ Hạc) - đã tự nguyện làm căn cứ hậu cần của nghĩa quân trong kế hoạch đánh vào Hạc Thành năm 1886, với biệt danh “Gọi chim Hạc về”, đêm mồng 6, rạng sáng ngày mồng 7 tháng 12 năm 1886.
Bị nghĩa quân Cần Vương Thanh Hóa tấn công, thực dân Pháp hung hăng, tàn sát dã man cư dân Thọ Hạc suốt 3 - 4 tháng ròng, chúng cùm, xích người già, trẻ em, trai gái dân Thọ Hạc lôi kéo xuống cầu Bố Vệ (nay là cầu Bố), xô đẩy xuống sông, ai chìm thì thôi, ai còn quẫy dụa, chúng dùng súng bắn chết và vỗ tay reo cười, máu đỏ ngầu cả khúc sông. Riêng ông Trần Xuân Huấn là em trai ông Trần Xuân Soạn, đi làm nghĩa sĩ Cần Vương, bị chúng bắt tra tấn dã man bắt khai báo người anh ở đâu, ông không khai, sau đó chúng đưa ra đầu làng - Bắc cầu Hạc - xử tử hình.
Năm 1908, sĩ phu Thanh Hóa dán hiệu triệu quần chúng ở đường phố, chưa kịp hành động thì bị lộ, thực dân Pháp bắt được tra tấn dã man, trong đó có tú tài Lê Nguyên Thành (người làng Đông Tác) tự đứng ra nhận tội về mình để các bạn ông không bị bắt, nhưng chúng không tha, vẫn bị chúng kết án tù đày ra Côn Đảo, cùng với cử Xứng, cử Soạn, tú Thiệp, cử Nhị, tú Tà, cử Hải... (Theo Lịch sử Đảng bộ TP. Thanh Hóa).
Điểm lại những sự kiện lịch sử diễn ra ở vùng đất Thọ Hạc, cho phép khẳng định truyền thống yêu quê hương đất nước, chống ngoại xâm của nhân dân Đông Thọ thật anh dũng. Đó là cơ sở, nền móng để nhân dân Đông Thọ theo Đảng Cộng sản Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
(1). Các làng của Đông Thọ đều nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, cách trấn thành Thanh Hóa (khi ở Thiệu Dương, và được chuyển về Thọ Hạc trước và sau tháng 5 năm Giáp Tý, 1804, năm Gia Long thứ 3) không xa.