Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Thọ  - TP.Thanh Hóa

Những quan hệ làng xã cổ truyền và phố phường

Đăng lúc: 15:16:19 29/06/2023 (GMT+7)
100%

Những quan hệ trong phường Đông Thọ được phân định bởi 2 thời kỳ, trước và sau Nghị định 226/TTg, ngày 28 tháng 8 năm 1971, nghĩa là trước và sau khi xã Đông Thọ được chuyển về thành phố Thanh Hóa trở thành cư dân thành thị(1).

Quan hệ làng xã cổ truyền (trước năm 1945)
Làng Thọ Hạc và làng Đông Tác là hai làng lập nên xã, phường Đông Thọ. Trước năm 1945, hai làng này tồn tại với tư cách là một đơn vị hành chính cấp cơ sở (xã), thuộc tổng Thọ Hạc, huyện (phủ) Đông Sơn. Mỗi làng đều có một bộ máy hành chính quản lý làng (xã) theo quy định của triều đình phong kiến, được gọi là Hội đồng lý hương bao gồm:
- Hương lý: Có lý trưởng, phó lý, đứng đầu là lý trưởng chịu trách nhiệm điều hành chung, xã lớn có thêm lý phó giúp việc.
- Hương bạ: Có nhiệm vụ quản lý sổ sách đinh, điền, địa bạ, khai sinh, khai tử, giá thú, có con dấu hình bầu dục đóng vào các giấy tờ khai trên.
- Hương bản: Giữ qũy và tài sản chung của làng (xã).
- Hương kiểm: Làm nhiệm vụ tuần phòng, bảo vệ trật tự trị an, nội gia cư, ngoại đồng điền (trong làng xóm, ngoài đồng bãi).
- Hương mục: Trông coi đê điều, thủy lợi, điều động dân phu làm những công việc trên.
(Vào khoảng năm 1930, có thêm chức Hương dịch làm nhiệm vụ điều động và chỉ huy công việc phu phen, tạp dịch, đi lính, tế lễ...)
Chức danh lý trưởng do dân (đinh) bầu ở đình làng, thông qua hình thức bỏ trầu (như lá phiếu). Mỗi ứng cử viên có một cái tráp đựng trầu, nếu muốn bầu ai, dân bỏ trầu vào tráp của người ấy. Sau khi kiểm trầu, ai được nhiều trầu nhất, người ấy được chọn làm lý trưởng của làng và phải được huyện công nhận.
Các chức danh khác do chọn cử, thường là những người có chữ nghĩa (hương bạ, hương bản), có sức khỏe, võ nghệ (hương kiểm)...
Hội đồng hương lý làng có chức năng nhiệm vụ quản lý toàn diện làng (xã), một mặt thực thi những nhiệm vụ của cấp trên (huyện) giao, mặt khác thực thi những nhiệm vụ của làng (xã) được quy định trong hương ước của làng, thường được gọi là lệ làng, trong quan hệ phép nước, điều đó được lưu truyền qua các câu tục ngữ: Lệ làng - phép nước; Phép vua thua lệ làng.
Bên cạnh Hội đồng lý hương còn có Hội đồng tiên chỉ(1). Tuy không phải là các chức sắc đương nhiệm, song lại có vai trò hết sức quan trọng, những chủ trương, quyết sách của lý trưởng, thường là có sự tham vấn của các vị, đôi khi ý kiến của các vị có ý nghĩa quyết định. Khi có việc làng, việc nước các vị ngồi chiếu trên ở đình làng và được trọng vọng, nể vì.
Dưới làng (xã) có các tổ chức phe giáp, hội làng Văn của những người theo Nho học, hội làng võ của những người theo nghiệp võ nghệ. Làng văn có văn chỉ thờ đức Khổng Tử là nơi sinh hoạt của hội; làng võ có võ chỉ thờ Quan Công hoặc vị tổ sư của làng võ...
Dưới chế độ phong kiến, nam giới được coi trọng hơn nữ giới. Ngoài việc nam giới là lao động chính, gánh vác kinh tế gia đình, tham gia công việc xã hội (phu phen, tạp dịch...), họ mới là người được chia ruộng đất, được tham gia việc làng, việc nước. Nam giới đến 18 tuổi làm một lễ gọi là lễ nhập đinh ở đình làng, được làng công nhận là trai đinh, khi đó được chia ruộng và tham gia việc làng. Những người nghèo khổ không đủ tiền làm lễ nhập đinh và khao vọng làng (xã) thân phận rất thấp hèn được gọi là bạch đinh.
Phụ nữ không được chia ruộng đất, địa vị xã hội không có, địa vị trong gia đình vì vậy cũng không được coi trọng “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”. Trong các gia đình giàu có, sang trọng được coi là “bà nội tướng”.
Trong làng xã còn có chức nhiêu, gồm những vị cao tuổi (hết tuổi lao động) gọi là lão nhiêu, những nho sinh gọi là nhiêu học. Cuối triều Nguyễn chức nhiêu có thể mua bán được vì đã là nhiêu thì được miễn phu phen tạp dịch, đăng lính.
Quan hệ phố phường (từ năm 1945 đến nay)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại nền độc lập tự do cho dân tộc và giải phóng thân phận nô lệ cho mỗi người dân mất nước, trở thành người tự do, bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Người dân Đông Thọ thực sự trở thành người làm chủ quê hương, đồng ruộng của mình. Trong những năm kháng chiến chống Pháp xâm lược đến trước năm 1958, ngoài việc bảo vệ quê hương, họ còn tham gia vào các tổ vần công, đổi công. Năm 1958, vào HTX nông nghiệp theo con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa. Tháng 8 năm 1971, xã Đông Thọ được chuyển về thị xã Thanh Hóa và tháng 6 năm 1994 chuyển thành phường Đông Thọ.
Tuy có những biến đổi về mặt quản lý hành chính - xã hội, song về cơ bản những quan hệ truyền thống tốt đẹp của làng quê vẫn được giữ gìn, như quan hệ tình làng, nghĩa phố, tối lửa tắt đèn có nhau... và những quan hệ mới tốt đẹp đã và đang hình thành trong thời kỳ đổi mới.


(1). Hội đồng tiên chỉ gồm các cựu lý trưởng, phó lý, các hưu quan và những người có thế lực trong làng xã.

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
294
Hôm qua:
326
Tuần này:
1229
Tháng này:
620
Tất cả:
282018

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289