Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Thọ  - TP.Thanh Hóa

Sổ tay tên đường, phố phường ĐôngThọ

Đăng lúc: 15:01:48 29/06/2023 (GMT+7)
100%

Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập phường Đông Thọ (19/8/1994-19/8/2014) và đây cũng vào dịp thành phố Thanh Hoá lên đô thị loại I, Đảng uỷ - Uỷ ban nhân dân phường phối hợp với Chi hội Khoa học lịch sử thành phố biên soạn cuốn “Sổ tay tên đường, tên phố - Phường Đông Thọ - Thành phố Thanh Hóa” để giới thiệu với nhân dân và du khách đến tham quan hoặc công tác với phường.

TÊN ĐƯỜNG VÀ TIỂU SỬ
 
1- Đường Bà Triệu
25- Đường Nguyễn Bính
2- Đường Nguyễn Chí Thanh
26- Đường Lê Chân
3- Đường Thành Thái
27- Đường Quán Giò
4- Đường Trần Đại Nghĩa
28- Đường Trần Xuân Soạn
5- Đường Tôn Quang Phiệt
29- Ngõ Sùng
6- Đường Hoàng Xuân Viện
30- Đường Thọ Hạc
7- Đường Nguyễn Đức Thuận
31- Ngõ Đông
8- Đường Nguyễn Thị Thập
32- Ngõ Thắng
9- Đường Hồ Đắc Di
33- Đường Đặng Tiến Đông
10- Đường Hùng Vương
34- Đường Trần Nguyên Hãn
11- Đường Thành Công
35- Đường Lý Nhân Tông
12- Đường Đông Tác
36- Ngõ Dụ Tượng
13- Đường Đội Cung
37- Ngõ Quang Vinh
14- Đường Đào Duy Anh
38- Đường Ỷ Lan
15- Đường Lương Định Của
39- Đường Lý Đạo Thành
16- Ngõ Điện Cơ
40- Đường Triệu Quang Phục
17 - Đường Cao Bá Quát
41- Đường Dương Đình Nghệ
18- Đường Nguyễn Tuân
42- Đường Tú Xương
19- Đường Tôn Thất Tùng
43- Đường Lý Thái Tông
20- Đường Lê Hồng Sơn
44- Đường Từ Đạo Hạnh
21- Đường Lê Thước
45- Đường Lê Văn An
22- Đường Thế Lữ
46- Đường Minh Không
23- Đường Nguyễn Xiển
47- Đường Nguyễn Bặc
24- Đường Việt Bắc
48- Đường Trịnh Huy Quang
 
1- Đường Bà Triệu
Xuất phát điểm từ ngã ba Long Quang - Đông Sơn - Bà Triệu thuộc phường Hàm Rồng đến ngã tư Phan Chu Trinh - Trần Phú - Trường Thi - Bà Triệu, nơi có bồn hoa vòng xuyến, phía Đông Nam là trụ sở Công an thành phố, phía Tây Nam là nhà hàng Dạ Lan thì kết thúc.
Một phần đường Bà Triệu nối từ đường sắt Cầu Hạc đến Nam cầu Hàm Rồng (được xây dựng năm 1963), từ đó toàn phần đường Bà Triệu trở thành Quốc lộ 1A. Từ ngày cầu Hoàng Long đưa vào sử dụng thì đoạn này là đường nội thành.
Phần đường Bà Triệu đi qua phường Đông Thọ dài 1700m, lòng đường rộng 20m, cống thoát nước nằm hai bên lề đường. Phía Bắc tính số nhà bên chẵn từ 12A Đình Hương, số nhà bên lẻ từ 359 Bà Triệu, đến số nhà 458 Bà Triệu (thép Việt Úc), số nhà bên lẻ 613 Bà Triệu rẽ vào đường Việt Bắc là hết.
Trên đoạn đường này có các phố: Đình Hương, Bà Triệu, Cầu Hạc, Trung, Đội Cung 1, Đội Cung 3.
Các cơ quan, xí nghiệp đứng chân trên đoạn đường này, kể từ Bắc vào Nam là: Công ty cổ phần giấy bao bì Thanh Hóa, công ty ô tô 19/5, xí nghiệp Quốc phòng Z111, khu công nghiệp Tây Bắc Ga, công ty 838, bến xe ô tô phía Bắc; từ Nam ra Bắc là: Cơ quan Ủy ban nhân dân phường Đông Thọ, công ty Thành Thái (xí nghiệp cơ khí Tỉnh trước đây).
BÀ TRIỆU (226-248)còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh, là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Bà sinh năm Bính Ngọ tại miền núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên [hay cũng gọi là Yên Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Bà là em gái danh tướng Triệu Quốc Đạt chống quân Ngô. Sau khi Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời, bà là thủ lĩnh nghĩa quân chống Ngô. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân. Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thất thủ. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn, lúc mới 23 tuổi. Nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến năm 265.
Bà có câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Về sau vua Lý Nam Đế (tức Lý Bí) khen Bà Triệu là người trung dũng sai lập miếu thờ, phong là: “Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân”.
Hiện nay, nơi núi Tùng (xã Triệu Lộc), vẫn còn di tích lăng mộ của bà. Cách nơi bà mất không xa, trên núi Gai ngay sát quốc lộ 1A (đoạn đi qua thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, cách thành phố Thanh Hóa 18 km về phía Bắc) là đền thờ bà. Hằng năm, vào ngày 21 tháng 02 (âm lịch), người dân trong vùng vẫn tổ chức tế giỗ bà. Tại nhiều tỉnh thành trong nước Việt Nam, tên bà cũng đã được dùng để đặt tên cho nhiều trường học và đường phố; riêng tại Hà Nội, có một con đường mang tên phố Bà Triệu.
2- Đường Nguyễn Chí Thanh
Xuất phát từ phía Nam cầu Hoàng Long, phường Hàm Rồng, đi song song với đường sắt xuyên Việt từ phía tây đồi Không tên gặp đường Bà Triệu, trở thành Quốc lộ 1A từ năm 2001. Đoạn qua phường Đông Thọ bắt đầu từ cây xăng đến đường Bà Triệu dài 1000m, lòng đường 12m, cống thoát nước hai bên đường. Nơi đây có Bệnh viện Hợp Lực, nhà hàng Phù Đổng. Đoạn đường đi qua hai khu dân cư: Phố Đoàn, Phố Cầu Hạc.
NGUYỄN CHÍ THANH (1914-1967) tên thật là Nguyễn Vịnh sinh ngày 01/01/1914, quê làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung nông, thuở nhỏ cũng được học hành. Năm 14 tuổi, cha qua đời, gia đình nghèo, ông bỏ học, đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình.Năm 1934, ông tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
CT HCM.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960
Từ năm 1938 đến năm 1943, ông nhiều lần bị Pháp bắt giam ở nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Đến khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 09 tháng 3 năm 1945) mới ra tù. Sau khi ra tù và trở lại hoạt động, ông được bầu làm Bí thư Khu ủy khu IV và được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (8/1945). Trong Đại hội Đảng ở Tân Trào, ông được đặt bí danh là Nguyễn Chí Thanh, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ có nhiệm vụ theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại Trung Kỳ trong Cách mạng Tháng 8. Từ năm 1948 đến 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy IV. Cuối năm 1950, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ chính trị và Ban Bí thư. Năm 1961, được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Trong chống Mỹ cứu nước, BCH TW Đảng điều ông trở lại quân đội. Nguyễn Chí Thanh còn là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1961, ông liên tục phát động các phong trào thi đua trong các hợp tác xã, giúp ổn định tình hình phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp miền Bắc.
Thời kỳ 1965-1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Thời gian này ông lấy bí danh là Sáu Vi. Khi viết báo, ông thường lấy bút danh là Trường Sơn. Ông mất ngày 06 tháng 7 năm 1967 tại Hà Nội do một cơn nhồi máu cơ tim khi ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ về tình hình miền Nam. Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (truy tặng), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (01/01/1914-01/01/2014), Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An đã tôn vinh “Nguyễn Chí Thanh - một vị tướng an ninh về tư tưởng”.
3- Đường Thành Thái
Từ đường Bà Triệu kéo dài cắt qua đường Đông Tác. Dài 742m, lòng đường và vỉa hè dài 60-70m.
Dưới thời Bảo Đại (1926-1945) đường được đắp bằng đất qua hai cánh đồng làng Đông Tác và làng Đông Sơn, tính từ Bắc Cầu Hạc đến dốc Giếng Tiên (đường Bà Triệu) để đến Văn Miếu (nay là trường tiểu học Hàm Rồng) cho tiện nẻo các quan đầu tỉnh đi lễ hàng năm. Đường Thành Thái đi qua 4 khu dân cư: Phố Cầu Hạc, Phố Đoàn, Phố Kết, Phố Thành Công. Nơi đây có trường tiểu học và trung học cơ sở Đông Thọ, cơ quan trắc địa và Công ty xây dựng giao thông Cienco 125.
Vua Thành Thái.jpg
Chân dung vua Thành Thái
Vua THÀNH THÁI (14/3/1879-24/31954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Do chống Pháp nên ông, cùng với các vua Hàm NghiDuy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đi đày tại ngoại quốc. Tên húyNguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu), sinh năm Kỷ Mão, tức 14/3/1879 tại Huế. Năm ông bốn tuổi, vua cha Dục Đức bị phế và chết trong tù. Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phan Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết, vì mắng Đồng Khánh nịnh bợ và thân Pháp, khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng. Bửu Lân lại phải cùng mẹ Từ Minh, lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.
Năm 1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời. Khi đó con vua Đồng Khánh là Bửu Đảo mới 3 tuổi nên không nối ngôi được, triều đình Huế xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc kỳ Pierre Paul Rheinart. Năm 1889 Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái. Khi đó Bửu Lân mới 10 tuổi. Triều Thành Thái khác các triều trước ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bửu tỷ ấn ngọc. Lúc trước, khi rời khỏi kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đã mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Cho nên lúc tại vị vua Đồng Khánh đã phải dùng một ấn ngọc khác. Ngoài ra, di chiếu cũng không có. Vua Dục Đức hay vua Đồng Khánh không truyền ngôi lại cho vua Thành Thái. Không ấn ngọc, không di chiếu, nhưng lại có một toán lính Pháp bồng súng đóng ở bên trong cửa Ngọ Môn.
Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Những ngày đầu tiên, tuy đã là vua nhưng vì còn bé nên ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm. Ông được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học tiếng Pháp và cũng cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người này với tinh thần chống Pháp. Là vị vua gần gũi với dân chúng, ông thường xuyên đi vi hành. Thành Thái cũng cho phép hoàng phi bị cấm cung đi cùng với mình bằng xe. Và lần đầu tiên "dân chúng quên cả nhìn mặt vua, lúc này không bị tội phạm tất". Ông để ý đến cả các loại vũ khí, đã giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris) vẽ cho ông các khẩu súng Pháp. Vua Thành Thái rất thích đọc những tân thư chữ Hán của Trung QuốcNhật Bản. Nhờ đó vua có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách. Có thể nói Thành Thái là hiểu biết khá toàn diện. Trước các ý tưởng cấp tiến của vua Thành Thái, người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Ngày 12 tháng 9 năm 1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân. Đầu tháng 5 năm 1945 (sau khi vua Duy Tân mất), nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông, vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques. Tháng 3 năm 1953, ông được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ. Ông mất ngày 24 tháng 3 năm 1954 và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.
4- Đường Trần Đại Nghĩa
Theo Quyết định 3977/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND thành phố Thanh Hóa thì đường gồm ngõ 266 Thành Thái cũ và đoạn đường 509 Bà Triệu bị đường Hồ Đắc Di cắt ngang đến đường Nguyễn Thị Thập dài 540m, lòng đường 5m, cống hai bên.
GS Trần Đại Nghĩa.jpg
Chân dung GS. Trần Đại Nghĩa
 
TRẦN ĐẠI NGHĨA (1913-1997) tên thật Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Mồ côi cha lúc 6 tuổi, ông được mẹ và chị gái đã tần tảo nuôi dưỡng cho ăn học. Giữa 1933, Phạm Quang Lễ đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội để học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ. Năm 1935, ông đi du học Pháp và tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.
Tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet. Ông theo Hồ Chí Minh về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc. Ngày 05 tháng 12 năm đó, Hồ Chí Minh đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự), Bộ Tổng tư lệnh Quân đội.
Ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983-1988), Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, III. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên năm 1948. Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lao động (tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952). Ngày 6 tháng 3 năm 1956, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa và ông được bổ nhiệm làm giám đốc. Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Các công trình nghiên cứu của ông được quốc tế đánh giá cao, được ứng dụng rộng rãi trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và là nỗi kinh hoàng của quân đội đối phương. Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất vào 16 giờ 20 phút ngày 9 tháng 8 năm 1997, hưởng thọ 85 tuổi.
5- Đường Tôn Quang Phiệt
Từ đường Trần Đại Nghĩa đến giáp xí nghiệp đá hoa, dài 190m, rộng 5m
Tôn Quang Phiệt.jpg
Chân dung nhà hoạt động chính trị, nhà sử học, nhà thơ,
nhà giáo Việt Nam Tôn Quang Phiệt
 
TÔN QUANG PHIỆT (1900-1973)sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ ông học ở Vinh, rồi học bậc Thành chung tại trường Quốc học Vinh. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia nhiều phong trào yêu nước. Năm 1927, ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, ông lại bị bắt và bị kết án tù 7 năm, đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1934, ông ra tù, rồi bị quản thúc; xin dạy học tại một trường tư thục ở Vinh một thời gian, sau đó ông vào Huế mở trường tư thục Thuận Hoá và bắt liên lạc với phong trào cách mạng nơi đây. Từ 1936-1945, ông tham gia vào Mặt trận Dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và sau đó hoạt động trong Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương ở Huế.
Sau Cách mạng tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên. Năm 1946, ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa I và tham gia vào Uỷ ban dự thảo Hiến pháp Việt Nam năm 1946. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa I-IV đã từng đảm nhận nhiều chức vụ trong Quốc hội như Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa III, IV. Ông còn là Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội hữu nghị Việt - Trung, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt - Xô.Từ năm 1954, ông tập trung nghiên cứu về lịch sử và văn học, tham gia vào Ban nghiên cứu Sử, Địa, Văn. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cùng nhiều bài viết đăng trên các tạp chí và một số công trình dịch thuật. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn với các tác phẩm như Thanh khí tương cầu (thơ lục bát), truyện thơ Khách không nhà, tiểu phẩm Bẻ nạng chống trời... Ông mất đột ngột vào 01 tháng 12 năm 1973 trong một chuyến công tác tới Bắc Kinh, Trung Quốc, ở tuổi 73. Tôn Quang Phiệt đã được nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí MinhHuân chương Sao Vàng. Hiện nay tên ông được đặt cho những con đường ở các thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế.
6- Đường Hoàng Xuân Viện
Theo Quyết định số 3977/QĐ-UBND ngày 16/2/2008 của UBND thành phố Thanh Hóa thì đường Hoàng Xuân Viện đi từ đường Trần Đại Nghĩa đến đường Thành Thái, dài 240m, rộng 13m vốn là ngõ 236 Thành Thái cũ.
HOÀNG XUÂN VIỆN (1881-1936) là con trai cụ Hoàng Bật Đạt, thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương trong khởi nghĩa Ba Đình bị thực dân Pháp xử trảm tại núi Mật Sơn. Năm 18 tuổi, ông thi đậu tú tài nên thường gọi là Tú Viện. Ông tham gia tuyên truyền yêu nước chống lại thực dân Pháp trong phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục. Bị thực dân Pháp bắt đầy Côn Đảo 5 năm. Sau khi ra tù ông bị quản thúc ở quê nhà, ông vừa dạy học vừa làm thuốc được bà con và quan lại kính nể.
7- Đường Nguyễn Đức Thuận
Từ đường Thành Thái đến đường Trần Đại Nghĩa, dài 160m, rộng 3,5m.
NGUYỄN ĐỨC THUẬN (1916-1985)tên thật là Bùi Phong Tư, tục danh là Tư Móm, quê làng Bản Ngũ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nhà cách mạng Việt Nam, nguyên là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông là tác giả cuốn Bất khuất, một cuốn tự truyện từng gây tiếng vang ở miền Bắc về “sức chịu đựng kỳ diệu của một người chiến sĩ, suốt 8 năm bị tra tấn dã man vẫn không khuất phục...”.
Hai lần bị địch bắt đày đi Côn Đảo: Năm 1940, khi đang giữ chức vụ Thành ủy viên Hà Nội, đảm trách phong trào công nhân; năm 1956, khi đang giữ chức Bí thư Khu ủy Khu VII, Phó bí thư xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban mặt trận của Xứ ủy, Phó chủ tịch Mặt trận Nam Bộ, hoạt động bí mật trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa IV đến khóa VII, ủy viên ban chấp hành TWĐCSVN khóa IV và khóa V (12/1976-3/1982). Ông là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà hoạt động công đoàn ưu tú, hết sức trung thành với giai cấp công nhân và nông dân. Ngày 04 tháng 02 năm 2008 ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
8- Đường Nguyễn Thị Thập
Từ đường Thành Thái đến đường Nguyễn Chí Thanh, dài 320m, rộng 4m.
NGUYỄN THỊ THẬP (1908-1996) tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, quê quán ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay (trước là tỉnh Mỹ Tho). Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lí tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội ở quê nhà. Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó bà lấy bí danh là Mười Thập, hay Nguyễn Thị Thập. Sau đó thoát ly hoạt động phong trào, xây dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Sài Gòn. Tháng 4 năm 1935, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 5 năm 1935, bà bị Pháp bắt, bị kết án tù. Hết hạn tù, bà về quê bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Sau cuộc lãnh đạo nông dân biểu tình chống thuế ở xã Long Hưng, bà lại bị bắt giam nhưng đồng bào các xã Long Hưng, Long Định đã kéo tới giải thoát cho bà.
Nguyễn Thị Thập.jpg
Chân dung nữ cách mạng Nguyễn Thị Thập
 
Năm 1940, bà ở trong Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại tỉnh Mỹ Tho. Năm 1945, bà tham gia lãnh đạo giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho. Năm 1946, bà được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, bà được chỉ định là Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ, là Hội trưởng Phụ nữ Nam Bộ. Sau khi tập kết ra miền Bắc (1954), bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1956-1974). Năm 1955, bà được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu (năm 1980). Bà còn được Đảng và Nhà nước Việt Nam giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban phụ vận Trung ương Đảng.
Liên tục từ khóa I đến khóa VI, bà được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Bà là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bà mất ngày 19 tháng 3 năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo di nguyện, bà được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tiền Giang, cạnh mộ chồng. Tên bà được đặt cho các đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Mỹ Tho và một số thành phố khác.
9- Đường Hồ Đắc Di
Từ đường Bà Triệu đến giáp Xí nghiệp đá hoa, dài 250m, rộng 4m.
Hồ Đắc Di.png
Chân dung của Hồ Đắc Di
HỒ ĐẮC DI (11/5/1900-25/6/1984) quê làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế nhưng lại được sinh ra tại Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, ông được gia đình gửi học nội trú tại trường Lycée Albert Sarraut (Lyxê Anbe Sarô) Hà Nội. Gia đình đã định hướng cho ông theo nghề y và gửi ông sang Pháp du học trong thời gian 1918 - 1932. Hai năm đầu, ông học Trung học ở Bordeaux (Boóc đô). Sau khi tốt nghiệp ông lên Paris theo học khoa Y tại trường Đại học Tổng hợp Paris. Trong thời gian này, ông đã có một số tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc tại trụ sở Hội Sinh Viên (thuộc khu Latin) và cùng các sinh viên đi bán báo Le Paria (Người cùng khổ). Ông được các bác sỹ, chuyên gia phẫu thuật hướng dẫn nên đã sáng lập ra phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày - tá tràng) để điều trị chứng bệnh hẹp môn vị do loét dạ dày, tá tràng gây ra. Từ 1937-1945, ông có một số công trình khoa học đứng tên chung với các đồng nghiệp, các cộng sự và học trò Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng ... chủ yếu tập trung nghiên cứu và giải quyết các bệnh lý đặc trưng ở một số nước nhiệt đới, nghèo nàn và lạc hậu như Việt Nam.Ông đã công bố 37 công trình trên các tạp chí chuyên ngành của ông, vì thế Hội đồng giáo sư trường Đại học Y Dược Hà Nội (gồm toàn các giáo sư người Pháp) đã bầu bác sỹ Hồ Đắc Di làm Phó giáo sư, rồi Giáo sư, trở thành người Việt Nam duy nhất được giữ chức vụ này trước năm 1945.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao làm Tổng thanh tra y tế, Tổng giám đốc Đại học vụ, Giám đốc bệnh viện Đồn Thuỷ (nay là Việt Đức). Ngày 6/10/1947, trường Đại học Y của nước Việt Nam kháng chiến khai giảng khoá đầu tiên tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang với 2 giáo sư và 11 sinh viên với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Ông được cử giữ chức Hiệu trưởng của trường - là vị Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập. Năm 1954, ông được cử vào đoàn tiếp quản ngành Y tế và được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Đại học Y cho đến năm 1973 thì nghỉ hưu. Ông còn giữ các chức vụ khác như Giám đốc Vụ Đại học và trung học chuyên nghiệp, uỷ viên Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ông được tặng thưởng các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1952, 1956); Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Nhì; Huy chương Vì thế hệ trẻ. Ông mất ngày 25 tháng 6 năm 1984, thọ 84 tuổi. Năm 1996 ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật.
10- Đường Hùng Vương
Xuất phát từ cây xăng phường Đông Thọ đến xã Quảng Thịnh dài gần 10km. Đó là đường tránh nội thành, là đường một chiều, mỗi bên hai làn xe chạy.
Đoạn đi qua phường Đông Thọ chỉ có 676m - Bên Đông có cây xăng, Đội Kiểm lâm 1-2, Phòng cảnh sát giao thông Công an Tỉnh. Bên Tây là Khu dân cư đang xây dựng
HÙNG VƯƠNG là người con trưởng trong số một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên ngôi vua lấy vương hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu (nay là Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ (trong đó có bộ Cửu Chân, sau là tỉnh Thanh Hóa gần ngàn năm nay), đơn vị hành chính cơ sở trực thuộc bộ là làng chạ.
Từ Hùng Vương thứ nhất đến Hùng Vương thứ 18 tồn tại hơn 2000 năm, là bậc thủy tổ của người Lạc Việt đã xây dựng nên nền văn minh Văn Lang, đưa toàn bộ xã hội của các thị tộc người Việt cổ, người bản địa sang một thời đại mới, lấy gia đình nhỏ (gia đình Cửu Chân trung bình có 4 người, gia đình Giao Chỉ trung bình có 8 người) là tế bào xã hội. Nhà nước Văn Lang quản lý theo tục lệ cổ truyền “Dân không có thói gian dối”, “buộc nút dây mà làm chính trị” (Luật Việt khác luật Hán hơn 10 việc - Mã Viện).
Hằng năm ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ lớn của nước Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Lễ được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngày giỗ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại phong kiến đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, đổi lại những người này được triều đình miễn nộp thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. Từ năm 2007, ngày này cũng được Chính phủ Việt Nam quy định là ngày nghỉ lễ. UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là ”kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại”.
Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa: “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Bác Hồ kính yêu cũng đã từng dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
11- Đường Thành Công
Đường Thành Công từ Thành Thái đến ngõ 181 Thành Thái. Năm 2014 đường dài 570m, lòng đường 4m, cống hai bên.
THÀNH CÔNG
THÀNH CÔNG là tên hợp tác xã Vận tải thuyền gồm thành viên đều là giáo dân đạo Thiên chúa. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đóng góp nhiều công sức vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của máy bay và pháo hạm Mỹ.
12- Đường Đông Tác
Xuất phát từ số nhà 361A Bà Triệu đi qua làng Đông Tác đến Trạm bơm thuỷ lợi cũ (cống Nam Ngạn) dài 930m, lòng đường 3m, cống tiêu nước hai bên đường. Phía Bắc có chùa Đông Tác, đoạn giữa có Nhà văn hóa làng, cũng là Đình làng thờ Thành Hoàng là Kiều lộ Đại tướng quân, cuối đường có Khu tập thể công nhân viên chức Z111.
Phần đường này đi qua hai khu dân cư: Phố Đoàn, Phố Kết.
ĐÔNG TÁC thời Gia Long tên là ĐÔNG CẦU “ở đây có quán tạm, khách đi đường có thể nghỉ chân” (Hoàng Lê nhất thống chí - Lê Quang Định).
13- Đường Đội Cung
Xuất phát từ đường Bà Triệu phường Đông Thọ đến đường Trường Thi phường Trường Thi. Đoạn qua phường Đông Thọ chỉ từ đường Bà Triệu đến Bắc đường Lê Thước là địa giới phân cách hai phường, dài 550m, lòng đường 7m, cống hai bên, qua hai khu dân cư Đội Cung 1 và Đội Cung 2.
ĐỘI CUNG (?-1941)tên thật là Trần Công Cung. Năm sinh của ông chưa được xác định rõ. Cha của ông là Trần Công Dậu, người ở Long Trì, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, một người yêu nước bị thực dân Pháp giết hại. Mẹ ông là người họ Nguyễn, ở làng Hạc Oa, Đông Sơn, Thanh Hóa. Ở tài liệu khác lại ghi cha ông là Cử nhân Trần Công Thưởng, quê ở làng Long Trì, nay là xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), mẹ là bà thiếp Lương Thị Uyên quê làng Thổ Sơn, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Ông sinh ở quê mẹ khi cha ông làm tri huyện Đông Sơn. Từ nhỏ, do được một người họ Nguyễn nhận làm con nuôi nên lấy tên là Nguyễn Văn Cung (Theo Từ điển Hà Tĩnh, từ điển Bách Khoa và cuốn lịch sử xã Tràng Sơn) Khi ông sinh ra, được người cậu ruột nhận làm con nuôi và đưa về quê ngoại, nên ông lấy theo họ bên ngoại là Nguyễn Văn Cung. Một số tài liệu ghi tên ông là Nguyễn Tri Cung.
Khi trưởng thành, ông tham gia lực lượng lính khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội (tương đương Trung sĩ) nên thường gọi là ĐỘI CUNG. Khi thực dân Pháp có ý định điều một số đội lính khố xanh tại Nghệ An sang chiến đấu tại Lào, các binh sĩ tại đây đã hoang man và bất mãn. Ngày 08 tháng 01 năm 1941, Đội Cung được điều động từ Vinh về đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An) thay cho viên đồn trưởng người Pháp là Alônggiô. Đêm 13 tháng 01 năm 1941, ông cùng 11 lính đồn Chợ Rạng tiến về Đô Lương giết viên đồn trưởng đồn Đô Lương rồi cùng 25 lính ở đây tiến về Vinh ngay trong đêm đó với mục đích chiếm Trại Giám Binh thành Nghệ An và sau đó phát triển ra các nơi khác. Do bị lộ nên không chiếm được trại Giám Binh ở Vinh. Nghĩa binh bị đàn áp, binh biến chấm dứt. Riêng Đội Cung thoát được lẩn trốn một thời gian, nhưng do có chỉ điểm nên một tháng sau ông bị bắt. Cuối tháng 02 năm 1941, Toà án binh Hà Nội đã xử án 51 bị can trong vụ khởi nghĩa Chợ Rạng - Đô Lương. Đội Cung, Cai Vỵ cùng 9 người lính khác bị kết án tử hình, 12 người bị án chung thân, 2 người bị án 20 năm khổ sai... Sáng 25 tháng 4 năm 1941, thực dân Pháp tiến hành cuộc hành quyết Đội Cung và 10 người khác ở Vinh.
14- Đường Đào Duy Anh
Từ sông Hạc qua đường Đội Cung đến hết đường. Dài 230m, lòng đường 4m, cống hai bên. Phần nhà dân phía Đông thuộc phường Đông Thọ, nhà dân phía Tây thuộc phường Trường Thi.
Đào Duy Anh.png
Chân dung của Đào Duy Anh
 
ĐÀO DUY ANH (1904-1988)sinh ra tại Thanh Hóa, tuy nhiên dòng họ của ông vốn gốc ở làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay là huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội), đời ông nội của Đào Duy Anh chuyển cư vào xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi đỗ Thành chung tại trường Quốc học Huế năm 1923, ông không làm công chức dưới chính quyền thực dân Pháp mà làm nghề dạy học ở trường Tiểu học Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Ông chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước đang dấy lên thời kỳ đó như phong trào đấu tranh đòi “ân xá” cho Phan Bội Châu năm 1925, đám tang Phan Chu Trinh năm 1926... Cuối năm 1925, ông tham gia sự kiện Hội Quảng Trị - Đồng Hới đón tiếp Phan Bội Châu trên đường từ Hà Nội vào Huế.Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, với sự cộng tác của những trí thức như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu... xuất bản những tập sách phổ cập để người đọc làm quen với tư tưởng khoa học và duy vật lịch sử tháng 7 năm 1929, Đào Duy Anh bị chính quyền bắt giam cho đến đầu năm 1930. Từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu văn hóa bắt đầu là từ điển học rồi văn hóa, văn học, sử học. Sau Cách mạng tháng Tám, Đào Duy Anh được mời giảng dạy môn Lịch sử tại đại học Văn khoa Hà Nội. Ông là Uỷ viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc năm 1946. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, Đào Duy Anh về Thanh Hóa giảng dạy tại trường Dự bị Đại học. Năm 1954, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa. Năm 1958, Đào Duy Anh chuyển sang làm việc tại Bộ Giáo dục, năm 1960 chuyển sang Viện Sử học. Từ đây, ông thôi công tác giảng dạy đại học và tập trung vào nghiên cứu. Ông nghỉ hưu năm 1965 nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu cho đến năm 1988. Ngày 01 tháng 4 năm 1988, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Ông là một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.
Đào Duy Anh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2000. Tên của ông được đặt cho các con đường tại quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), quận Đống Đa (TP Hà Nội), thành phố Thanh Hóa...
15- Đường Lương Định Của
Từ sông Hạc qua đường Đội Cung đến hết đường, dài 190m, lòng đường 3,5m, cống hai bên.
LƯƠNG ĐỊNH CỦA (1920-1975) là một nhà nông học, nhà tạo giống của Việt Nam, có nhiều con đường và ngôi trường mang tên ông. Hiện nay còn một số nhầm lẫn trong sách, báo, tên đường phố mang tên ông thành “Lương Đình Của”.
Lương Định Của.jpg
Chân dung “Bác sĩ nông học Việt Nam” Lương Định Của
Ông quê xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông được người bác ruột đưa sang Trung Quốc nuôi cho ăn học đạt Tiến sĩ nông học Nhật Bản. Năm 1954, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng trong nước, ông đưa vợ là người Nhật Bản và hai con nhỏ về miền Nam Việt Nam, rồi tập kết ra Bắc. Ông đã lai tạo nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, ngắn ngày, chịu ngập nước và những cây ăn quả (dưa lê, dưa hấu, táo, cà chua…). Nông dân Việt Nam thường lấy tên ông để đặt cho các giống cây mới “lúa ông Của”, “táo ông Của”, “cà chua ông Của”. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
16- Ngõ Điện Cơ
Từ đường Đội Cung đến hết ngõ. Dài 84m, lòng đường 3,5m, cống hai bên. Xưa là Khu tập thể Xí nghiệp Điện cơ.
ĐIỆN CƠ là xí nghiệp nối tiếp truyền thống của Xí nghiệp Cơ khí tỉnh phục vụ hợp tác hóa nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong thời kỳ công nghiệp hóa do nhiều khó khăn, xí nghiệp thực hiện cổ phần hóa và kết thúc vai trò lịch sử.
17- Đường Cao Bá Quát
Điểm đầu là đường Nguyễn Trường Tộ, phường Trường Thi, giao cắt với đường Nguyễn Thái Học, đi qua trường Tiểu học Minh Khai vào khu dân cư, số nhà từ 02-80 và 01 đến 43 thuộc phường Trường Thi. Từ số nhà 80-112; 45 -51 và số nhà chẵn thuộc ngõ 80 từ 02-34/80 thuộc phố Đội Cung 2, phường Đông Thọ.
Cao Bá Quát.jpg
Chân dung nhà thơ Cao Bá Quát
CAO BÁ QUÁT (1809-1855) là Quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ XIX trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Ông còn có tên hiệu khác là Cúc Đường, các bút hiệu: Chu Thần, Cao Tử.
Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Tuy nhiên, ông lại rất lận đận trong thi cử và làm quan. Năm 1841 đời vua Thiệu Trị, được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử, Cao Bá Quát được triệu vào kinh đô Huế bổ làm Hành tẩu ở bộ Lễ. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Việc bị phát giác, ông bị bắt giam vào ngục Trấn Phủ. Vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội “trảm quyết” xuống tội “giảo giam hậu”, tức được giam lại đợi lệnh.
Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, khoảng cuối năm Quý Mão (1843), Cao Bá Quát được triều đình tạm tha, nhưng phải đi phục dịch để lấy công chuộc tội. Sau thời gian đi đày, Cao Bá Quát được phục chức ở bộ Lễ, nhưng chẳng bao lâu thì bị thải về sống với vợ con ở Thăng Long. Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào Huế (1847) làm ở Viện Hàm Lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Năm Canh Tuất (1850), do không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát đã bị đầy đi làm giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Khoảng cuối năm Canh Tuất (1850) đời vua Tự Đức, Cao Bá Quát lấy cớ về quê chịu tang cha và sau đó, xin ở lại nuôi mẹ già rồi xin thôi chức Giáo thụ phủ Quốc Oai.
Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người nhân dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... cùng nhau dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời.
Đang trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, do có người tố giác nên kế hoạch bị bại lộ. Trước tình thế cấp bách, Cao Bá Quát buộc phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Tuy giành được một số thắng lợi, nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung phản công thì quân khởi nghĩa liên tiếp bị thất bại.
Tháng Chạp năm Giáp Dần, Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai, cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn (giáp Sài Sơn), thì Cao Bá Quát bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Nghe tin đại thắng, vua Tự Đức lệnh cho ban thưởng và cho đem thủ cấp của nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi giã nhỏ quăng xuống sông. Sự thật về cái chết của Cao Bá Quát cho đến nay vẫn còn là một vấn đề nghi vấn cần làm sáng tỏ hơn.
18- Đường Nguyễn Tuân
Từ đường Đội Cung vào đến hết đường, dài 90m, lòng đường 3,5m, cống hai bên đường.
Nguyễn Tuân.jpg
Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân
 
NGUYỄN TUÂN (1910-1987) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Hà Nội có một con đường mang tên ông.
Nguyễn Tuân quê ở xã Nhân Mục (tên nôm là Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn. Ông học đến cuối bậc Thành chung (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929). Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì “xê dịch” qua biên giới không có giấy phép. Ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi... Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa vì gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Nguyễn Tuân có phong cách tự do, ngông, phóng túng, ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân. Các tác phẩm chính sau cách mạng của Nguyễn Tuân là tập tùy bút Sông Đà (1960) là kết quả chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, một số tập ký chống Mỹ (1965-1975) và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước (chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông xê dịch suốt chiều dài đất nước để tìm dến với những điều mới mẻ, độc đáo).
Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987, để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và tài hoa. Năm 1996 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
19- Đường Tôn Thất Tùng
Từ đường Đội Cung đến đường Lê Hồng Sơn, dài 80m, lòng đường 3m, cống hai bên đường.
Tôn Thất Tùng.jpg
Chân dung Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng
Giáo sư, Bác sĩ TÔN THẤT TÙNG (1912-1982) là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Namthế giới trong lĩnh vực gangiải phẫu gan. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Ông còn là một giáo sư, đào tạo ra nhiều thế hệ bác sĩ tài năng tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ông còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn (thân sinh ông là cụ Tôn Thất Niên, Tổng đốc Thanh Hóa), nhưng ông không theo nghiệp học làm quan, do đó vào năm 1931, ông ra Hà Nội theo học tại trường Trung học Bảo Hộ (tức trường Bưởi - trường Chu Văn An ngày nay). Năm 1935, ông học tại Trường Y khoa Hà Nội, một trường thành viên của Viện đại học Đông Dương, với quan niệm nghề y là một nghề “tự do”, không phân biệt giai cấp. Tốt nghiệp xuất sắc Đại học Y khoa năm 1939, ông được giữ lại làm Bác sĩ nội trú bệnh viện Phủ Doãn (nay là Việt Đức). Luận án Các tĩnh mạch trong gan của ông được trường Đại học tổng hợp Pari tặng Huy chương Bạc. Với các thành tích về phẫu thuật gan, ông được tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế (Pháp). Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được Việt Minh giao nhiệm vụ chữa bệnh cho Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó, ông đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun với vấn đề “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật”. Đây là cuốn sách khoa học thuộc ngành Y được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông là Giáo sư - Bác sĩ - Viện sĩ nước ngoài của Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Pháp, Angiêri. Anh hùng lao động - Huân chương Hồ Chí Minh - Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam nǎm 1958. Trong những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, thường được gọi là “phương pháp mổ gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”. Ông cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học điôxin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị các vết thương do bom bi, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác. Ông mất ngày 07 tháng 5 năm 1982 tại Hà Nội, thọ 70 tuổi.
20- Đường Lê Hồng Sơn
Theo bản đồ quy hoạch thành phố (1994), đường Cao Bá Quát kéo dài từ đường Nguyễn Trường Tộ đến đường Đội Cung. Nhưng đến nay (2014), lòng đường đủ chiều rộng nối qua đường Nguyễn Thái Học, cửa trường Tiểu học Minh Khai, đoạn còn lại vẫn là một ngõ hẹp kéo dài đến ngã ba đường Cù Chính Lan, đường Lê Hồng Sơn. Đoạn nối tiếp đến đường Đội Cung dài 300m, rộng 7m, dãy nhà dân bên đường đều gắn biển số nhà Lê Hồng Sơn. Vì vậy đoạn này được gọi là đường Lê Hồng Sơn là hợp lý.
 Lê Hồng Sơn.jpg
Chân dung của Lê Hồng Sơn
 
LÊ HỒNG SƠN (1899-1933) là nhà cách mạng chống Pháp, người hỗ trợ cho Phạm Hồng Thái trong kế hoạch mưu sát toàn quyền Đông dương Merlin.
Lê Hồng Sơn tên thật Lê Văn Phan, còn có các bí danh: Lê Hưng Quốc, Võ Hồng Anh, Lê Tản Anh. Quê ông ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1920, ông tham gia vào Việt Nam Quang phục Hội và được Phan Bội Châu cử sang Nhật gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Năm 1923, Lê Hồng Sơn cùng với một số đồng chí như Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lâm Đức Thụ... thành lập Tâm Tâm Xã. Năm 1924, ông là người hỗ trợ cho Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Pháp Merlin ở khách sạn Victoria (Sa Diện, Quảng Châu) nhưng mưu sát không thành. Năm 1925, Lê Hồng Sơn tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) và trở thành một cánh tay đắc lực của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1926, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 4 năm 1927, ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt, nhưng nhờ có sự can thiệp của Hồ Học Lãm, đang làm tham tán trong Bộ chỉ huy quân đội Quốc dân Đảng ở Vân Nam, ông được trả tự do. Năm 1929, Lê Hồng Sơn là người giữ một vai trò quyết định trong việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ông cùng với Hồ Tùng Mậu góp phần tích cực trong việc hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03 tháng 02 năm 1930 tại Cửu Long (Hương Cảng). Ngày 26 tháng 9 năm 1932 ông bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải giải về Việt Nam giam ở nhà lao Vinh, sau đó đem ra xét xử và bị thực dân Pháp kết án tử hình. Ngày 19 tháng 02 năm 1933, Lê Hồng Sơn bị hành quyết ngay tại làng Xuân Hồ quê hương ông.
21- Đường Lê Thước
Dài 54m, lòng đường 3,5m, cống hai bên.
LÊ THƯỚC (1891-1975), quê ở xã Lạc Thiện, huyện La Sơn, nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, nên ông phải vất vả ngay từ thuở nhỏ. Mãi đến năm 14 tuổi (1905), ông mới theo cha vào Huế học chữ Hán; năm 1908 ông bắt đầu học thêm chữ Pháp; năm 1910, ông thi đỗ bằng tiểu học, được vào học Quốc Học Huế. Ông học giỏi, một năm lên hai lớp, nên chẳng bao lâu sau ông lấy được bằng Thành Chung, được bổ làm trợ giáo tại Nha học chính Trung Kỳ. Năm 1918, Thi đỗ Cử nhân, nhưng ông không ra làm quan, mà xin được học thêm. Tháng 8 năm 1918, ông được tuyển vào học trường Cao đẳng Sư phạm Đông DươngHà Nội. Tháng 9 năm 1927, Nha học chính Đông Dương điều động ông ra Hà Nội dạy tiếng Việt tại trường Trung học Albert Sarraut (nay là Trường Trung học Phổ thông Trần Phúquận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tháng 9 năm 1935, ông đổi đến dạy tại trường Trung học Bảo hộ (còn gọi là trường Bưởi, nay là Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội).
Tháng 9 năm 1938, ông được cử làm Đốc học các trường ở thị xã Lạng Sơn. Cuối năm 1940, ông được chuyển về dạy ở trường trung học Đào Duy Từ (Thanh Hóa). Tháng 5 năm 1943, ông bị Nhà nước bảo hộ cách chức vì có lòng yêu nước.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Lê Thước tham gia Hội đồng cố vấn giáo dục. Tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban tăng gia sản xuất tỉnh Thanh Hóa. Trong năm đó, con trai cả của ông là Lê Thiệu Huy hy sinh ở Thakkhet (Lào).
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), ông làm cán bộ ở Nha Giáo dục Phổ thông, sau chuyển sang Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục (Hà Nội). Ở đây, ông làm công tác phiên dịch, hiệu đính, chú thích, giới thiệu các tác phẩm Hán-Nôm chọn lọc ở bậc trung học và đại học.
Tháng 02 năm 1957, ông đổi sang làm trong Ban phụ trách ngành Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, góp phần quan trọng trong việc phát hiện, sưu tầm hiện vật và xây dựng Thư viện Hán Nôm. Đến tháng 6 năm 1963, ông được về nghỉ hưu ở tuổi 72 tuổi. Giáo sư Lê Thước mất ngày 01 tháng 10 năm 1975 (Ất Mão), thọ 85 tuổi.
22- Đường Thế Lữ
Quyết định số 282/2004/QĐ-UBND, ngày 16/02/2004 của UBND thành phố Thanh Hóa xác định “Đường Thế Lữ từ đường Bà Triệu đến đường Lê Hồng Sơn”. Dài 290m, lòng đường 5m. Đoạn phía Đông 120m, phía Tây 150m. Vướng nhà dân chưa giải phóng mặt bằng.
Thế Lữ.jpg
Chân dung nhà thơ Thế Lữ
THẾ LỮ (1907-1989)là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ, sinh ngày 6/7/1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa người khách đi qua trần thế lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930 với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóaNgày nay. Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
23- Đường Nguyễn Xiển
 Từ đường Bà Triệu đến đường Lê Chân. Dài 140m, lòng đường 7m.
Nguyễn Xiển.jpg
Chân dung của GS. Nguyễn Xiển
Giáo sư NGUYỄN XIỂN (1907-1997) là một nhà khoa học, đồng thời cũng là một chính khách Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (1956-1988) và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam (từ năm 1960 đến 1987). Ông sinh ngày 27/7/1907 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nho học lâu đời. Thuở nhỏ, ông học tại trường Tiểu học, Trung học ở Vinh. Hồi còn học ở trường Quốc học Vinh (Nghệ An) ông đã là học sinh xuất sắc, đậu bằng Thành chung rồi ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1926 do tham gia cuộc bãi khoá để tang Phan Chu Trinh, ông đã bị đuổi học và bị cấm thi tú tài bản xứ, nhưng ông cùng một số bạn bãi khoá ở Nghệ An, Hà Tĩnh quyết chí tự học, đỗ đầu tú tài Tây ở Hà Nội, được học bổng sang Pháp ở Trường đại học Toulouse (Pháp) khoa cơ điện. Ở Pháp ông đã gặp những nhà trí thức Việt Nam tiên tiến như Trần Văn Giàu, Phan Tử Nghĩa, đã được tiếp cận với sách báo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Tuy không tham gia Đảng Cộng sản, nhưng ông quyết tâm học giỏi khoa học để sau này phục vụ cách mạng. Sau khi có bằng cử nhân, năm 1932 ông về nước không nhận làm quan ở Huế, ra Hà Nội đi dạy học vì cho đó là một nghề trong sạch và có cốt cách truyền thống dân tộc. Từ năm 1937, ông chuyển sang ngành khí tượng với ý thức tận dụng cơ hội, xây dựng ngành khí tượng học Việt Nam mai sau. Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám ông rất tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng và nhiều chức vụ quan trọng khác. Năm 1946, ông được bầu làm Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam liên tục từ khoá I đến khoá VIII; Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III,  IV,V,VI; Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII. Sau hơn 60 năm, trải qua ít nhiều thăng trầm, Nguyễn Xiển vừa là nhà hoạt động chính trị xã hội có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, vừa là một nhà khoa học lớn, có công đầu xây dựng ngành khí tượng thuỷ văn Việt Nam, được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I). Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 9/11/1997, hưởng thọ 90 tuổi.
24- Đường Việt Bắc
Từ đường Bà Triệu đến đường Lê Hồng Sơn. Dài 290m, lòng đường 5m.
VIỆT BẮC là một vùng phía Bắc Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) bao trùm nhiều tỉnhBắc Bộ. Ngày nay nó thường được hiểu là khu vực gồm 06 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên hay còn được gọi tắt là Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái.Việt Bắc được gọi một cách văn hoa là Thủ đô kháng chiến, bởi đây là nơi trú đóng của đầu não Đảng Cộng sản Việt Nam thời trước khi khởi nghĩa năm 1945 và là nơi trú đóng của đầu não Chính phủ Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Nó cũng được gọi là Thủ đô gió ngàn, tên gọi này được bắt nguồn từ bài thơ Sáng tháng năm của nhà thơ Tố Hữu.
25- Đường Nguyễn Bính
Từ đường Việt Bắc đến đường Thế Lữ, đấu lưng với đường Lê Chân, dài 150m, lòng đường 4,5m.
Nguyễn Bính.jpg
Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính
 
NGUYỄN BÍNH (1919-1966)sinh ngày 13-2-1918 (kiểm tra lại năm sinh), tức mồng ba Tết năm Mậu Ngọ, tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).Làm thơ từ nhỏ và trở nên quen biết trong phong trào Thơ Mới (1932-1945). Bài thơ của ông được đăng báo đầu tiên là bài Cô hái mơ. Năm 1937, Nguyễn Bính gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự Lực văn đoàn. Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình. Năm 1947, Nguyễn Bính đi theo Việt Minh. Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính cũng như bao cán bộ Việt Minh khác tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó ông làm chủ bút báo Trăm hoa.
Thơ của Nguyễn Bính có vị trí đặc biệt trong văn đàn thơ ca dân tộc. Thơ lục bát của Nguyễn Bính dễ gây xúc động và hợp với giới bình dân nơi thôn dã và các tầng lớp tiểu tư sản thành thị nên nhiều người thuộc.
Hai tập thơ Gửi người Vô Nam (1955), Đêm sao sáng (1963) có ý nghĩa phục vụ đấu tranh thống nhất nước nhà sau ngày ông tập kết ra Bắc. Năm 1966, ông mất tại Nam Định khi đang công tác ở Ty văn hóa Nam Hà.
26- Đường Lê Chân
Từ đường Việt Bắc đến đường Thế Lữ, đấu lưng với đường Nguyễn Bính, dài 150m, lòng đường 5,5m.
                                     Lê Chân.jpg
 
Tượng đài Lê Chân ở quận Lê Chân, Hải Phòng
 
LÊ CHÂN (?-43) là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.Tương truyền bà quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Theo thần tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà HánTô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, theo truyền thuyết, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sỹ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống Hát Giang tự vẫn. Lê Chân cũng mất năm đó. Theo truyền thuyết dân gian, trong các lễ hội, ngày 08 tháng 02 âm lịch là ngày sinh và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của Lê Chân. Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa.
Các đường Bà Triệu, Nguyễn Xiển, Lê Chân, Thế Lữ, Quán Giò đều thuộc Khu dân cư phố Đội Cung 3.
27- Đường Quán Giò
Quyết định số 3977/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND thành phố xác định “Kéo dài đường Quán Giò của Trường Thi lên hết ngõ 16 Đội Cung, phường Đông Thọ”. Đoạn đường này dài 240m, rộng 15m.
QUÁN GIÒ là địa danh nằm trên đường Thiên lý từ Nam ra Bắc. Từ khi đặt tên đường Bà Triệu (1994) đường Quán Giò chuyển sang phía đông song song với đường Bà Triệu. Buổi đầu là Ngõ 16 đường Đội Cung. Khi phường Trường Thi mở đường Quán Giò thì Ngõ 16 đường Đội Cung được nối vào thành một đường dài.
28- Đường Trần Xuân Soạn
 Xuất phát từ đường Bà Triệu đến đường Minh Không. Dài 675m, lòng đường đoạn 1 = 3,5m, đoạn 2 = 14,5m
TRần Xuân Soạn.jpg
Hình ảnh của Trần Xuân Soạn
 
TRẦN XUÂN SOẠN (1849-1923)là người làng Thọ Hạc (nay là phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, tòng quân thay cho con một phú hào trong làng để lấy tiền nuôi gia đình. Trong thời gian đi lính, do có công lớn trong việc tiễu phỉ ở đất Bắc nên được thăng chức đề đốc. Sau khi vua Kiến Phúc mất năm 1884, vua Hàm Nghi nối ngôi, Trần Xuân Soạn được điều về Huế để cùng phái kháng chiến lo phòng giữ kinh thành. Sau trận thất thủ trước quân Pháp ngày 05/7/1885, Trần Xuân Soạn cùng Phạm Bành, Đinh Công Tráng đi xây dựng cứ điểm Ba Đình (Thanh Hoá), tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến. Theo sự phân công, ông đóng quân ở phủ Quảng Hóa để hỗ trợ cho căn cứ Ba Đình, giữ mối hiện hệ giữa Ba Đình và Mã Cao. Đầu năm 1887, Ba Đình và Mã Cao thất thủ, ông rút quân lên Điền Lư, châu Quan Hoá (nay là huyện Bá Thước) xây dựng lại lực lượng.Ít lâu sau, ông sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ và tổ chức lại lực lượng, nhưng rồi bị mắc kẹt luôn ở bên đó. Năm Quý Hợi (1923), Trần Xuân Soạn mất tại Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), thọ 74 tuổi. Em trai ông là Trần Xuân Huấn hy sinh trong cuộc kháng chiến và con trai ông là Trần Xuân Kháng cũng đều hy sinh vì nước.
29- Ngõ Sùng
Từ đường Trần Xuân Soạn đến đường Dương Đình Nghệ, dài 165m, lòng đường 2,5m, cống lòng đường.
Ngõ này có tên từ thời làng Thọ Hạc là hậu cứ của nghĩa quân Cần Vương do Trần Xuân Soạn chỉ đạo.
30- Đường Thọ Hạc
Xuất phát từ đường Bà Triệu đến đường Minh Không. Dài 668m, lòng đường đoạn 1 = 3,5m, đoạn 2 = 16,5m
Theo truyền ngôn, làng THỌ HẠC được hình thành trong thời kỳ trị vì của triều Lý Nhân Tông (1072-1128). Tên làng Thọ Hạc có tự bao giờ chưa được rõ, nhưng theo truyền ngôn thì làng Thọ Hạc ban đầu có tên là làng Hạc, do đây là nơi sinh sống, quần tụ của loài chim Hạc trắng, dấu tích còn lại mà dân làng gọi là cánh đồng Triệc, Cồn bầy, Cồn lim…. Cũng theo truyền ngôn để lại, năm 1083, Vua Gia Long đã dừng chân ở làng Hạc và quyết định rời trấn thành Thanh Hóa từ Dương Xá (Thiệu Dương) về Thọ Hạc, đã đặt thêm chữ Thọ nên thành Thọ Hạc từ đó. Địa danh Thọ Hạc được sử sách ghi chép lại qua các sách đã nói trên. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thì làng Thọ Hạc thuộc xã Bố Vệ, một trong bảy xã của tổng Thọ Hạc. theo sách Đồng Khánh địa dư chí, cuối thế kỷ XIX ghi danh Thọ Hạc là xã và tồn tại đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945. Đến năm 1953, làng Thọ Hạc thuộc xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn; đến năm 1971, xã Đông Thọ sát nhập vào thị xã Thanh Hóa, Thọ Hạc cũng thuộc theo. Năm 1994 Xã Đông Thọ phát triển thành phường vẫn tên Đông Thọ, lúc này làng Thọ Hạc chính thức được chia tách thành các phố như hiện nay.
Vào thế kỷ XVIII, trên đường tiến quân ra Thăng Long tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng cầm đầu, Vua Quang Trung đã dùng 8 vạn quân ở làng Hạc làm lễ thệ sư quyết tâm tiêu diệt bọn xâm lược. Theo lời các bậc tiền nhân kể lại thì Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ rất cảm kích trước thịnh tình sự đón tiếp của nhân dân làng Hạc, nhất là các cụ bô lão, nên Ngài đã tặng thêm chữ Thọ để ghép với chữ Hạc thành làng Thọ Hạc, Tên chữ làng Thọ Hạc được ghi danh từ năm Kỷ Dậu - 1789. Theo những dấu tích còn lại thuộc làng Thọ Hạc như: Đình Mưu, Đồng Đen, Cồn Vua, Đàn Xã Tắc, Chùa Quảng Hóa, Khu Thái Miếu Nhà Lê, thì làng Thọ Hạc là một xã rộng lớn, bao gồm cả các phường: Phú Sơn, Đông Vệ, Ba Đình, Trường Thi ngày nay.
Làng Thọ Hạc có sinh hoạt văn hóa cổ truyền lâu đời thành truyền thống quý giá thông qua những sinh hoạt cộng đồng, biểu hiện tập trung trong việc thờ cúng Thành Hoàng làng và lễ hội. Làng tôn lập Đình thờ Thần Hoàng làng Tham Xung Tá Quốc húy Lê Hiển, là con trai Lê Ngọc, hay gọi là chàng Út Đại Vương có công đánh giặc đường cứu dân nên làng lập đền thờ Thành Hoàng làng, tại xóm Sở khu ga Thanh Hóa. Đây là quần thể cổ xưa nhất của làng Hạc cổ.
31- Ngõ Đông
Từ đường Thọ Hạc vào hết ngõ, dài 217m, lòng đường 3m, cống lòng đường.
32- Ngõ Thắng
Quyết định số 1187/QĐ-UBTH ngày 24/9/1994 xác định “Ngõ Thắng từ nhà ông Hạp đường Thọ Hạc đến giếng xóm Thắng vòng qua nhà ông Bạn đến nhà ông Nghiễn”. Trong sổ quản lý của phường xác định: “Ngõ Thắng từ đường Thọ Hạc đến hết ngõ dài 210m, lòng đường 3m, cống dưới lòng đường”. Ba ngõ trên đều là tên xóm của thời kháng chiến chống Pháp. Nay là khu dân cư phố Bắc, phố Nam, phố Thắng.
33- Đường Đặng Tiến Đông
Từ đường Tô Vĩnh Diện qua phố Lợi 1, Lợi 2, đường Lý Nhân Tông đến đường Minh Không dài 715m, lòng đường đoạn qua phố Lợi 1, Lợi 2 là 3m, qua Đông Bắc Ga là 16,5m.
ĐẶNG TIẾN ĐÔNG (?-1801) còn có tên là Long, danh tướng triều Tây Sơn. Quê quán xã Cương Xá, huyện Chương Đức nay là Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội. Ông cha, chú bác đều là đại thần của chính quyền Lê Trịnh. Bản thân ông là võ quan. Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Năm 1787, ông chủ động vào Quảng Nam tìm gặp Nguyễn Huệ và được phong làm Đô đốc Đông lĩnh hầu, trấn thủ Thanh Hóa. Trong trận đại phá quân Thanh (1789) ông chỉ huy một đạo quân đánh trận Đống Đa, sau đó tiến về giải phóng Thăng Long. Ông được Nguyễn Huệ khen ngợi là: “Vững như cây tùng, trải qua mùa đông mà không chịu khuất”.
34- Đường Trần Nguyên Hãn
Từ đường Trần Xuân Soạn đến hết đường, đi qua phố Trung, phố Đàm, phố Lợi 2 dài 420m, lòng đường rộng 3,5m, cống lòng đường.
TRẦN NGUYÊN HÃN (?-1429) là võ tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê. Ông cũng là một trong những công thần phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ.
Trần Nguyên Hãn chuyên cư ở xã Sơn Đông, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Trần Nguyên Hãn là dòng dõi tôn thất nhà Trần, là cháu (miêu duệ) của Thái sư Trần Quang Khải, là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1420 (hoặc 1423), Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi về với Lê Lợi. Cuối tháng 10 năm 1426, Trần Nguyên Hãn lập công lớn tạo nên chiến thắng của các trận Đông Quan, Xương Giang lịch sử.
Trong hàng ngũ các quan văn võ dưới quyền Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn luôn là viên quan cao cấp nhất. Năm 1428, kháng chiến thành công và Lê Lợi lên ngôi, Trần Nguyên Hãn được gia phong Tả Tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật Đại sứ, được cấp 114 mẫu ruộng.
Năm 1429, Trần Nguyên Hãn xin về trí sĩ. Từ trước đó, Nguyên Hãn có nói riêng với người thân cận: “Nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được”.
Lê Lợi y cho Nguyên Hãn được về, nhưng dặn rằng cứ một năm hai lần lại vào triều chầu vua. Năm 1455, vua Lê Nhân Tông (1443-1459) ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là “Phúc thần”, cho gọi con cháu ra làm quan, nhưng không ai ra. Đời nhà Mạc, ông được truy phong là Tả tướng quốc, Trung liệt Đại vương. Ông chính là trường hợp rất hiếm trong các công thần khai quốc nhà Lê được nhà Mạc thù địch tưởng nhớ và truy phong, có lẽ một phần lý do vì bản ý nhà Mạc muốn thu phục lòng người. Việc tôn vinh ông khiến “thiên hạ” thấy sự khắc bạc của nhà Lê với người có công trạng.
Trần Nguyên Hãn được nhiều làng ở Sơn Động và các vùng xung quanh lập đền thờ, nhưng “chính tự“ (nơi thờ tự chính, được công nhận và ghi vào “tự điển“) là đền Tả tướng. Đền này được xây ngay trên nền ngôi nhà cũ của Trần Nguyên Hãn.
Chợ Gốm là nơi Trần Nguyên Hãn từng hành nghề bán dầu. Hiện nay, dân làng này vẫn làm nghề ép dầu bên cạnh những nghề thủ công khác như làm gốm, sơn, mộc.Tên của ông được đặt cho nhiều đường phố tại các thành phố Việt Nam: tại quận Hoàn Kiếm Thành phố Hà Nội, quận Lê Chân Thành phố Hải phòng, Thành phố Đà Nẵng, phường Phước Hòa Thành phố Nha Trang, Thành phố Vũng Tàu, quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt tại Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh có tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa có chim bồ câu trên tay (tưởng nhớ thánh tổ lực lượng truyền tin) được dựng dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa ở vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành.
35- Đường Lý Nhân Tông
Từ đường Triệu Quốc Đạt qua Quảng trường Lam Sơn, Phố Lợi 1, Phố Đàm, phố Nam, phố Bắc. Dài 1.100m, lòng đường 9m, cống hai bên.
Trường mẫu giáo Đông Thọ đặt trên nền đình làng Thọ Hạc, nơi đặt trụ sở Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Thanh Hóa năm 1945, 1946, 1947. Nơi được dự kiến mời Hồ Chủ tịch gặp lãnh đạo Tỉnh ủy khi Người vào thăm Thanh Hóa lần đầu tiên (20/02/1947). Nhưng Hồ Chủ tịch đã quyết định chuyển địa điểm làm việc lên Rừng Thông.
LÝ NHÂN TÔNG (1072-1127) Lý Nhân Tông (1066-1127), là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên húy (thật) của ông là Lý Càn Đức. Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam. Lý Càn Đức là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan. Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (tức 22 tháng 02 năm 1066) tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội. Ngay hôm sau, ông được vua cha Lý Thánh Tông lập làm Thái tử. Năm 1072, Thánh Tông mất, Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông.
Vua Nhân Tông còn nhỏ, nhờ vào Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, lại thêm sự phò tá của Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt, những nhân vật lịch sử tên tuổi không chỉ của triều Lý mà cả trong lịch sử Việt Nam, nên nước Đại Việt trở nên hùng mạnh, hai lần đánh bại quân Tống.
Vua Nhân Tông rất quan tâm đến nông nghiệp. Ông cho đắp đê chống lũ lụt, nổi tiếng nhất là đê Cơ Xá, khởi đầu cho việc đắp đê ngăn ở Việt Nam, nhằm giữ cho kinh thành khỏi ngập lụt.
Năm 1117, Nhân Tông còn ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi, ai mổ trộm trâu bị phạt 80 trượng và tội đồ làm người hầu trong quân đội; người giết trâu và ăn trộm trâu đều phải bồi thường; hàng xóm biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng.
 Năm Ất Mão (1075), vua mở khoa thi tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa thi ấy là khoa thi đầu tiên ở Đại Việt và chọn 10 người, thủ khoaLê Văn Thịnh.
Năm Bính Thìn (1076), vua cho lập Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên ở Đại Việt, chọn những nhà khoa bảng tài giỏi vào dạy. Đến năm Bính Dần (1086), mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Hàn lâm viện. Khoa ấy có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ.
Ông làm vua đến năm Đinh Mùi (1127) thì mất, trị vì được 55 năm, hưởng thọ 62 tuổi. Thái tử Lý Dương Hoán - con của Sùng Hiền hầu và là cháu gọi Nhân Tông bằng bác - lên nối ngôi, tức là Lý Thần Tông.
Lý Nhân Tông cũng là một vị vua khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ “học thức cao minh, hiểu sao đạo lý” (Phan Huy Chú). Chính vì vậy, đánh giá tổng quát về ông, các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn v.v... đều xem ông là “vị vua giỏi”, “vị anh quân” của vương triều Lý.
36- Ngõ Dụ Tượng
Từ Sở Lao động Thương binh - Xã hội qua đường Lý Nhân Tông đến đường Minh Không. Đoạn đầu đến Lý Nhân Tông dài 92m, lòng đường 3,5m. Đoạn 2 qua Đông Bắc Ga.
DỤ TƯỢNG theo nghĩa thực là Bãi Trầu Voi, nơi tập kết voi chiến của vua Quang Trung năm 1788 trên đường ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Cùng với Bãi Dinh vùng đất phía bắc Sở Lao động - Thương binh Xã hội là nơi đặt doanh chủ soái Vua Quang Trung. Ngõ Dụ Tượng là đường ranh giới phân cách phường Đông Thọ với phường Điện Biên. Năm 2011, chia đôi vùng đất Sở LĐTBXH xây trường Mẫu giáo phường Điện Biên, một đoạn đường Tô Vĩnh Diện kéo dài về phía tây, do đó Ngõ Dụ Tượng rút ngắn lại.
37- Ngõ Quang Vinh
 Ngõ Quang Vinh thời kỳ 1973-1994 rộng lớn thuận tiện cho xã viên Hợp tác xã Quang Vinh và Hợp tác xã Tiền Phương (xe thồ) tập kết đá Nhồi để nung vôi. Năm 2014 hẹp lại chỉ còn hơn 1m, với 6 nhà từ nhà số 02, 04, 04B, 04C, 06, 08, nằm giữa hai số nhà 105-107 đường Đội Cung.
Hợp tác xã vận tải bộ Quang Vinh là lá cờ đầu Ngành vận tải bộ của Hợp tác xã vận tải miền Bắc trong chống Mỹ cứu nước.
38- Đường Ỷ Lan
Quyết định số 1187/QĐ-UBTH ngày 20/9/1994 của UBND Tỉnh Thanh Hóa xác định “Đường Ỷ Lan từ Nam Cầu Hạc đường Bà Triệu vào Bãi Bầu, đến xóm Tân Lập, đụng đường Dốc Ga ở Chi giang 21”. Nay khu công nghiệp Tây Bắc Ga phát triển, vì vậy phải xuyên qua khu công nghiệp. Chiều dài 1326m, lòng đường 3,5m.
Ỷ LAN (1044?-1117)tương truyền tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1044 (Giáp Thân), mất ngày 25 tháng 7 năm 1117 (Đinh Dậu). Quê quán tại hương Thổ Lỗi (Siêu Loại), ngày xưa thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Vào mùa xuân năm 1063 (Quý Mão), vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có được một đứa con trai để truyền lại ngôi báu. Vua bèn đi cầu tự tại khắp các miếu chùa hòng xin cho được một thái tử. Khi đi qua chùa Dâu (phủ Thuận Thành), dân làng nô nức đến xem, riêng có một người con gái dịu dàng vẫn đang thản nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Vua bèn cho gọi, hỏi vì sao nàng không nghênh giá, nàng trả lời: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng”. Vua vì cảm mến nên đã đưa nàng về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Chữ “ỷ lan” nghĩa là tựa gốc lan từ đấy mà ra.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử, đặt tên là Lý Càn Đức. Ỷ Lan phu nhân được phong làm Nguyên phi, đứng đầu các cung tần phi nữ, chỉ sau Thái hậu. Con trai Lý Càn Đức của bà được lập làm Thái tử. Năm 1072 (Nhâm Tý), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Thái tử Lý Càn Đức (7 tuổi) lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Năm 1073, Vua Lý Nhân Tông phong mẹ làm Hoàng Thái phi cùng buông rèm nhiếp chính giúp cho Vua 8 tuổi chỉ đạo Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống. Năm 1074, bà chính thức lên ngôi Hoàng Thái Hậu.
Bà đã hai lần buôn rèm nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương. Bà còn làm rất nhiều việc từ thiện khác và lập nhiều đình chùa. Nhờ có những cuộc đàm đạo nổi tiếng của bà cùng các vị sư thời Lý, mà đến nay, ta mới biết được gốc tích về sự truyền bá đạo Phật vào nước ta.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là một trong những nữ danh nhân tuyệt vời của lịch sử Việt Nam. Bà được tôn thờ cho đến tận ngày nay tại Cụm di tích Đền - Chùa Bà Tấm tại chính quê hương của bà (nay là Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội).
39- Đường Lý Đạo Thành
Từ đường Ỷ Lan đến ngõ 141 Lý Nhân Tông dài 241m, lòng đường 5,5m, cống hai bên. Hai đường trên đều nằm gọn trong phố Trung.
LÝ ĐẠO THÀNH (?-1081) là vị Thái sư Lý Đạo Thành, quan Tể tướng, đại thần phụ chính dưới hai triều vua nhà LýLý Thánh TôngLý Nhân Tông.
Lý Đạo Thành quê làng Cổ Pháp huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh, dòng dõi tôn thất nhà Lý, là một đại thần phụ chính tài năng, liêm khiết và chính trực của nhà Lý. Năm 1069 khi vua Lý Thánh Tông cùng các tướng như Thái úy Lý Thường Kiệt, đem quân đi đánh Chiêm Thành, ông giữ chức Thái sư (tể tướng) cùng Nguyên phi Ỷ Lan (nhiếp chính) điều hành triều chính.
Năm 1072, Lý Thánh Tông băng hà, Thái tử Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) mới 7 tuổi nối ngôi, Thái sư Lý Đạo Thành cùng các Hoàng Thái hậu là: Thượng Dương hoàng hậu và Linh Nhân hoàng hậu Ỷ Lan giúp vua điều hành chính sự. Nhưng do hậu thuẫn cho Thượng Dương hoàng hậu chống lại Ỷ Lan, nên năm 1073 với sự giúp đỡ của Thái úy Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan khôi phục quyền nhiếp chính, đã giáng ông xuống làm Tả gián nghị đại phu và chuyển đi Nghệ An.
Năm 1074, Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã dẹp bỏ hiềm khích, mời ông về triều giữ chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, cùng Thái úy Lý Thường Kiệt điều hành việc nước. Khi quân nhà Tống sang xâm lược Việt Nam, Lý Thường Kiệt lo chống giặc tại phòng tuyến Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1075, thì ông là quan đầu triều lo việc triều chính. Ông mất vào tháng 10 năm Tân Dậu (1081).
40- Đường Triệu Quang Phục
Từ đường Ỷ Lan đến ngõ 141 đường Lý Nhân Tông, dài 270m, lòng đường 5,5m, cống hai bên.
TRIỆU QUANG PHỤC (?-571), có tên hiệu là Triệu Việt Vương, cai trị từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy, kết thúc triều đại Triệu Việt Vương.
Triệu Quang Phục là con Triệu Túc, người huyện Chu Diên. Ông cùng cha theo Lý Nam Đế khởi nghĩa từ ngày đầu (541), có công lao đánh đuổi quân Lương về nước, được trao chức tả tướng quân nước Vạn Xuân.
Tháng 5 năm 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh Vạn Xuân. Lý Nam Đế giao chiến bất lợi. Năm 546, sau khi Lý Nam Đế thua trận phải lui về động Khuất Lạo, đã ủy thác cho ông giữ việc nước, điều quân đi đánh Trần Bá Tiên của nhà Lương.
Năm 547, ông quyết định chọn vùng đầm Dạ Trạch, huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên làm căn cứ, chuẩn bị đánh lâu dài với quân Lương. Nhân dân gọi ông là Dạ Trạch Vương. Năm 550, Trần Bá Tiên mưu tính cầm cự lâu ngày để làm cho quân của ông lương hết, quân mệt mỏi thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Trần Bá Tiên về (sau này Trần Bá Tiên cướp ngôi vua của nhà Lương năm 557.), ủy cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Ông tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Ông vào thành Long Biên ở.
Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông đánh nhau với quân của Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình, năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại, mà quân của Lý Phật Tử luôn thua, ngờ là ông có thuật lạ, bèn xin giảng hòa. Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của ông là Cảo Nương. Ông bằng lòng, kết thành thông gia. Ông yêu quý Cảo Nương, cho Nhã Lang ở gửi rể. Triệu Quang Phục quá tin vào sức mạnh quân sự của mình, mất cảnh giác nên đã bị suy yếu đáng kể. Nhã Lang ở rể, thực chất là để hoạt động gián điệp nên nội tình của Triệu Việt Vương đã bị Lý Phật Tử nắm rõ. Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề, đem quân đánh. Ông yếu thế không thể chống được, bèn đem con gái chạy về phía nam, tìm nơi đất hiểm để ẩn náu, nhưng đến đâu cũng bị quân của Lý Phật Tử đuổi theo sát gót. Ông cưỡi ngựa chạy đến cửa biển Đại Nha, bị nước chắn, bèn nhảy xuống biển tự vẫn. Họ Triệu mất nước.
Đền thờ Triệu Quang Phục ở thị trấn Yên Ninh, Yên Khánh, Ninh Bình. Người đời sau lập đền thờ ông ở cửa biển Đại Nha (Đại Nha có tên khác là Đại Ác, thời nhà Lý đổi là Đại An), nay là cửa Liêu (cửa sông Đáy). Các đền thờ tập trung chủ yếu ở vùng ven biển 2 tỉnh Ninh BìnhNam Định.
41- Đường Dương Đình Nghệ
Quyết định số 3978/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND thành phố Thanh Hóa quy định “Đường Dương Đình Nghệ kéo dài từ Ga Thanh Hóa, cắt qua đường Lý Nhân Tông đến đường Bà Triệu” dài 1,8km, rộng 24m”.
DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ, có sách chép là Dương Diên Nghệ là người khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt trong vòng 6 năm. Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng, người làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thời Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ cầm quyền (907 - 930), Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Năm 930, Nam Hán - một tiểu vương quốc do họ Lưu lập nên đã xua quân sang xâm lược nước Việt Nam ta (khi đó gọi là Tĩnh Hải quân), bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ (con Khúc Hạo), đánh chiếm Đại La, sai Lý Tiến làm thứ sử. Dương Đình Nghệ tập hợp hơn 3.000 “con nuôi” làm vây cánh tại lò võ ở làng Giàng (Ràng), Tư Phố (nay là đất các xã Thiệu Dương, Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hoá. Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ ra quân từ Ái châu, đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nước Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy, Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La. Lưu Cung sai Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Sau đó ông tự lập làm Tiết độ sứ.
Tháng 4 năm 937, ông bị Kiều Công Tiễn, hào trưởng Phong Châu, một tướng dưới quyền ông, giết hại để cướp quyền. Việc đánh đuổi quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ là trận đọ sức đầu tiên bằng vũ lực giữa Việt Nam và Trung Hoa, dù chỉ là một nước cát cứ, kể từ khi tách ra khỏi tay người phương Bắc dưới thời họ Khúc. Quan trọng hơn, đó là việc giành lại đất đai đã mất từ tay người Bắc chứ không phải “phòng thủ, kháng chiến” trên cơ sở đã có để chống người Bắc sang. Chiến thắng quân Nam Hán của ông dù không được đánh giá cao như trận Bạch Đằng của người con rể Ngô Quyền sau này nhưng nó có tác động cổ vũ tinh thần rất lớn cho người Nam và nó đã chỉ ra cho thế hệ sau ông thấy rằng: dù đã bị Bắc thuộc 1000 năm, người Nam vẫn hoàn toàn đủ sức đứng vững và đương đầu được với các cuộc tấn công của người Bắc để tách riêng thành một cõi độc lập.
42- Đường Tú Xương
Từ đường Lý Nhân Tông đến đường Dương Đình Nghệ, dài 150m, lòng đường 25m, cống lòng đường.
Tú Xương.jpg
Chân Dung nhà thơ Tú Xương
TÚ XƯƠNG (05/9/1870-29/01/1907) tên thật là Trần Tế Xương. Tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ), ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh. Cuộc đời ngắn ngủi có 37 năm của ông đã nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh nam kỳ mất trọn cho Pháp. Tú Xương lên 3 thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại. Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh sục sôi và bi thương đó. Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Ông đi thi từ lúc 17 tuổi, đó là khoa Bính Tuất (1886). Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần. Đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm). Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng,
Năm 1986 Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh đã xuất bản nhiều tập Thơ văn Trần Tế Xương bảo đảm giá trị khoa học. “Tú Xương là một vị tư lệnh có tài năng lớn trong việc điều khiển đội quân ngôn từ. Ngôn từ trong thơ Tú Xương có khả năng biểu hiện sự sâu sắc cực độ của Thế giới trữ tình, sự phong phú đa dạng và huyền diệu của thế giới tiếng cười”.
43- Đường Lý Thái Tông
Từ đường Trịnh Huy Quang, khách sạn Phù Đổng đến khu tái định cư, dài 680m, lòng đường 7,5m, cống nằm dưới lòng đường.
LÝ THÁI TÔNG (1000-1054), tên thật Lý Phật Mã còn có tên khác là Lý Đức Chính là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1028 đến năm 1054. Ông sinh tại kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, Việt Nam. Tương truyền thuở nhỏ ông đã có 7 nốt ruồi sau gáy như chòm sao thất tinh (sao Bắc Đẩu).Năm 13 tuổi (1012), ông được lập làm Đông cung Thái tử, Năm Thuận Thiên thứ 3 ông được phong làm Khai Thiện Vương, lập phủ ở ngoài nội cung để được làm quen với các quan lại và dân chúng. Trong thời gian làm Thái tử, ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và đều lập được công.Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, chưa tế táng xong, thì các hoàng tử là Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử.Vũ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu chém Vũ Đức Vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ hãi bỏ chạy cả. Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương cũng phải chạy trốn. Dẹp xong loạn Tam vương, ngày Kỷ Hợi (tức 1 tháng 4 năm 1028), Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, tức là vua Lý Thái Tông.
Thái Tông là người có thiên tư đĩnh ngộ, thông lục nghệ, tinh thao lược, gặp lúc trong nước có nhiều giặc giã, nhưng ông đã quen việc dùng binh, cho nên ông thường thân chinh đi đánh đông dẹp bắc.
Năm Giáp Ngọ (1054), vua Lý Thái Tông mất, trị vì 26 năm, thọ 55 tuổi. Ngài là ông nội vua Lý Nhân Tông.
44- Đường Từ Đạo Hạnh
Từ đường Trịnh Huy Quang đến liên kế HUD4 dài 500m, lòng đường 5,5m, cống hai bên.
TỪ ĐẠO HẠNH (1072-1116) tục gọi là đức Thánh Láng, là một thiền sư nổi tiếng Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Dân chúng lập đền thờ ông tại chùa Thiên Phúc (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), tục gọi là chùa Thầychùa Láng, chùa NềnHà Nội. Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được mở vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, tương truyền là ngày ông viên tịch.Tương truyền ông tên là Lộ, con của quan đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Do Từ Vinh bị giết bởi một pháp sư có tên là Đại Điên, Từ Lộ đã đi tu luyện phép thuật và giết được Đại Điên để trả thù cho cha. Sau đó, ông đi vân du khắp nơi để học đạo và cứu nhân độ thế và cuối cùng viên tịch tại núi Sài Sơn.
Truyền thuyết lưu rằng, sau khi Từ Đạo Hạnh chết, ông cho thiền sư Minh Không biết mình sẽ đầu thai thành con của Sùng Hiền Hầu - em trai của vua Lý Nhân Tông (Vị vua này không có con nên đã nhường ngôi cho con của Sùng Hiền Hầu, người con này chính là Từ Đạo Hạnh đầu thai, trở thành vua Lý Thần Tông). Tương truyền ông viên tịch vào ngày 07 tháng 3 năm Bính Thân (1116). Đến tháng 6 thì Lý Thần Tông, con trai của Sùng Hiền Hầu ra đời. Sau này Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, người cứu chữa được là đại sư Nguyễn Minh Không.
Tại Hà Nộichùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự được xây dựng đời vua Lý Anh Tông (con của Lý Thần Tông). Chùa thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Bên cạnh đó có chùa Nền, tên chữ là Đản Cơ Tự dựng trên nền ngôi nhà cũ của Từ Đạo Hạnh.
45- Đường Lê Văn An
Từ đường Trịnh Huy Quang đến nhà liên kế Hud4, dài 500m, lòng đường rộng 7,5m, cống thoát nước nằm dưới lòng đường.
LÊ VĂN AN (?-1437) là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người làng Mục Sơn nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lê Văn An đi theo Lê Lợi từ ngày đầu, từng cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai năm 1416. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Lê Lợi cho ông làm thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết đột. Ông theo Lê Lợi đánh nhiều trận lớn nhỏ, lập được nhiều công lao. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Văn An được phong làm nhập nội tư mã, Suy trung Bảo chính công thần, được tham dự triều chính.
Tháng 2 năm 1434 đời Lê Thái Tông, ông được cử làm tư mã Bắc đạo. Đương thời, Lê Văn An là người hoà nhã, giản dị trong số các võ tướng triều đình, hay lấy lễ tiếp đãi các bậc sĩ đại phu.Tháng 6 năm 1437, ông mất, được truy tặng chức Tư không, ban tên thuỵ là Trung Hiến.Năm 1484, ông được Lê Thánh Tông truy tặng là Thái phó, Khác quận công.
46- Đường Minh Không
Từ đường Trịnh Huy Quang, khách sạn Phù Đổng, song song với đường sắt Bắc - Nam, đến khu tái định cư, dài 980m, lòng đường 5,5m, cống dưới lòng đường.
MINH KHÔNG (1065-1141) tên hiệu là Lý Quốc Sư là tên gọi theo quốc tính họ Vua do nhà Lý ban cho ghép với chức danh pháp lý cao nhất của một vị thiền sư từng được gọi là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư tên hiệu Nguyễn Minh Không. Ông là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông cùng với Trần Hưng Đạo, là những nhân vật lịch sử có thật, sau này được người Việt tôn sùng là đức thánh Nguyễn, đức thánh Trần. Trong dân gian, Nguyễn Minh Không còn được coi là một vị thánh trong tứ bất tửViệt Nam và ông tổ nghề đúc đồng. Ông được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam.
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không tên húy là Nguyễn Chí Thành sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình).Nguyễn Minh Không là một nhà sư tài danh lẫy lừng. Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông và được ban quốc tính họ Lý, phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Khi ông mất rồi được rất nhiều đền chùa thờ phụng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.” Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý - là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam.
Nguyễn Chí Thành lớn lên sang Tây Trúc học đạo và kết nghĩa anh em với Từ Đạo HạnhNguyễn Giác Hải là hai vị chân sư có uy tín đương thời. Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở vùng châu thổ sông Hồng... để tu hành, lấy vị hiệu là Minh Không. Trong suốt cuộc đời, trên cương vị quốc sư thống lĩnh lực lượng phật giáo quốc gia, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như: Chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước, chùa Địch Lộng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Trông, chùa Kim Liên,...
Là một thiền sư giỏi về Phật pháp, giỏi cả pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng... Nguyễn Minh Không được tôn là đức Thánh Nguyễn bên cạnh chức danh Quốc sư triều Lý.
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không được những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời như các làng nghề Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định); phố nghề Ngũ Xã, phố Lò Đúc (Hà Nội); Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hoá, Thanh Hóa), các làng nghề đồng Châu Mỹ, Long Thượng, Đông Mai (Hưng Yên) và Đào Viên, Điện Tiền (Bắc Ninh) đều thờ và tôn vinh ông là ông tổ đúc đồng.
Tên tuổi của Nguyễn Minh Không đã gắn liền với nhiều truyền thuyết hoang đường và kỳ bí. Rất nhiều nơi, đặc biệt là các chùa ở Việt Nam thờ vị quốc sư này theo kiểu “tiền phật hậu thánh”. Trong số các chùa, đền thờ quốc sư, tập trung nhiều nhất là các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình... Trong dịp lễ hội ở các đền thờ này, thường có tục bơi chải vào ngày hội, tục này chắc liên quan đến giai thoại nhà sư đi thuyền một đêm mà đến được Kinh đô.
47- Đường Nguyễn Bặc
Quyết định số 282/2004/QĐ-UBND, ngày 16/8/2004 của UBND thành phố Thanh Hóa xác định đường Nguyễn Bặc, phường Đông Thọ là phía mặt Tây đấu lưng dãy nhà đường Lý Nhân Tông mặt đông.
 Quá trình thi công Khu Đông Bắc Ga, chủ đầu tư và nhà đầu tư HUD4 đã vô tình bỏ quên việc thi công hai con đường Trịnh Huy Quang và Nguyễn Bặc
 NGUYỄN BẶC (924-980)là công thần khai quốc nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân vào thế kỷ 10 trong lịch sử Việt Nam. Do lập công lớn, Ông được vua Đinh phong là Định Quốc công, vị trí như Tể tướng trong triều đình nhà Đinh. Theo các gia phổ Họ Nguyễn và tài liệu “Lược sử họ Nguyễn tại Việt Nam”, ông được coi là bậc tiền thủy tổ họ Nguyễn ở Việt Nam Hậu duệ của ông có người đầu tiên tham gia lập làng Thọ Hạc năm 1066, triều Lý Thánh Tông.
Nguyễn Bặc là người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Đại Cồ Việt (nay là Xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tức là Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bặc được phong làm Định quốc công. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn bị sát hại, ông cùng Đinh Điền, Lê Hoàn đưa con nhỏ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên làm vua. Được ít lâu ông nghi ngờ Lê Hoàn có ý cướp ngôi, ông cùng Đinh Điền, Phạm Hạp dấy quân, tiến công vào kinh thành. Quân của Lê Hoàn nhờ chuẩn bị trước đã đánh bại cuộc tiến công của Nguyễn Bặc. Ông bị bắt và bị xử tử. Năm đó ông 56 tuổi, cùng sinh một năm và chết 1 năm với Đinh Tiên Hoàng.
Ngày nay ở Ninh Bình còn rất nhiều đền thờ ông và Đinh Điền. Theo các nhà nghiên cứu sử học, số đền thờ các trung thần nhà Đinh nhiều hơn số đền thờ Lê Hoàn và Dương hậu phản ánh tình cảm của dân chúng đối với các ông.
48- Đường Trịnh Quang Huy
Từ đường Minh Không đến đường Lý Nhân Tông, ngay sau Quảng trường Lam Sơn, dài 540m, lòng đường 9m (còn một hộ chưa giải phóng mặt bằng).
TRỊNH QUANG HUY (1909-1974)quê xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc. Vào Đảng cộng sản Việt Nam 1930. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa 1936-1939, Trưởng ban cán sự Đảng Nghệ - Tĩnh, Chính ủy Quân khu VI - khu Ủy viên Quân khu V. Giám đốc đầu tiên Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Vị trí con đường hiện nay cũng là vị trí mà cơ quan Tỉnh ủy đóng thời kỳ cao trào cách mạng 1936-1939 của Thanh Hóa.
DANH SÁCH TÊN PHỐ
 
TT
Phố
Tổng số hộ
Thường trú
Tạm trú
Số hộ
Số khẩu
Số hộ
Số khẩu
1
Đình Hương
225
209
705
16
68
2
Bà Triệu
245
230
927
15
36
3
Cầu Hạc
515
490
1970
25
95
4
Đoàn
320
260
1200
60
200
5
Kết
576
535
1811
41
118
6
Thành Công
587
570
1260
17
87
7
Đội Cung 1
285
260
970
25
65
8
Đội Cung 2
312
309
1276
3
10
9
Đội Cung 3
217
165
702
52
156
10
Đội Cung 4
165
145
560
20
60
11
Bắc
368
358
1326
10
40
12
Tân Lập
64
60
203
4
13
13
Trung
640
500
1801
140
367
14
Nam
314
304
1216
10
20
15
Đàm
232
218
934
14
52
16
Thắng
295
281
1080
14
44
17
Lợi 1
335
274
893
61
73
18
Lợi 2
227
224
880
3
15
19
Đông Bắc Ga 1
245
230
890
15
55
20
Đông Bắc Ga 2
278
278
985
 
 
 
Tổng cộng
6445
5900
21589
545
1574
NHỮNG DÒNG CUỐI SÁCH
 
Chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ nhất của Thực dân Pháp bắt đầu từ 01/9/1858. Quân lính Pháp xâm lược đặt chân vào Thanh Hoá năm 1885. Ngày 9/3/1945, quân Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Như vậy, giặc Pháp chỉ có mặt ở Thanh Hoá 60 năm.
Trong 60 năm ấy, người dân tỉnh Thanh Hoá nói chung, người dân hai làng Thọ Hạc- Đông tác nói riêng phải chịu biết bao nhiêu thảm hoạ, khổ đau, uất ức, hờn căm. “Chiều chiều dân làng sở tại Thọ Hạc, kể cả những nguời già yếu, đều bị xích tay điệu ra phía nam ngoài thành, viên quan binh Pháp lại đến, hạ lệnh quẳng dần từng người xuống sông, thấy mỗi người chìm xuống nước thì lại vỗ tay vui cười, người nào còn ngoi ngóp, vùng vẫy thì bắn luôn cho chết. Cứ như vậy suốt 3 - 4 tháng, nước sông Bố Vệ đỏ ngầu như chậu máu, không ai còn dám đi lại qua nơi này”(1). Còn câu chuyện truyền miệng từ đời này cho đời khác về việc cả làng có một ngày làm giỗ chung, đó là chuyện dân làng Hạc phải trốn vào hang Núi Mật để tránh sự khủng bố của giặc Pháp, bị chúng chất rơm rạ ngoài cửa hang rồi châm lửa đốt hun khói có rắc chất độc làm toàn bộ số người trong hang đều chết.
 “Làng Hạc rúc trốc (đầu) vô hang,
Chết cả làng, làm giỗ một ngay (ngày)”
 Còn dòng họ Trần Xuân thì tháng 7-1885, triều đình hàng Pháp ở Huế ra chỉ dụ: Tịch thu toàn bộ gia sản Trần Xuân Soạn, bắt cả gia đình giam giữ và treo giá mua đầu, nếu bắt sống được Trần Xuân Soạn thưởng 600 lạng bạc, chém được đầu thưởng 300 lạng bạc. Em ông Soạn là Trần Xuân Huấn tham gia phong trào Cần Vương bị địch bắt, không chịu khai chỗ ở của anh, bị chúng chém đầu ngày 7/8/1887, tại bờ sông gần cầu đường sắt sông Hạc. Bố ông Soạn mất ngày 20/9/1883 trong chiến dịch Ba Đình, Mộ bố ông và ông nội Trần Xuân Soạn đều bị tay sai đào lấy hài cốt làm vật tin để buộc ông ra đầu thú. Ông không trả lời, bọn chúng đổ hết xuống sông.(2)
Năm 1908, vì tham gia phong trào chống thuế Trung Kỳ, sĩ phu Thanh Hoá hưởng ứng để khỏi hổ thẹn với sĩ phu Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… mà tú tài Lê Nguyên Thành (có biệt danh Tú điếc), người làng Đông Tác đã bị Toà án Nam Triều xử đánh 100 trượng, đầy xa 3000 dặm (Côn Đảo), cải khổ sai 9 năm. Năm 1916 ra tù ông về làng dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng.
Ngày 23/9/1945, sau Việt Nam tuyên ngôn độc lập được 21 ngày, thực dân xâm lược Pháp lại phát động chiến tranh đánh chiếm Việt Nam lần thứ hai.
Là một trong hàng ngàn người dân thị xã, tôi được nghe buổi nói chuyện của Bác Hồ tối 20/02/1947 tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, sau khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là Phòng Thông tin Thanh Hoá, nay là Hiệu sách Nhân dân, vẫn còn nhớ như in trong đầu mình lời Bác Hồ hỏi:
- “Sau 80 năm làm nô lệ cho thực dân Pháp, bây giờ có ai muốn trở lại làm nô lệ không? Mọi người đồng thanh đáp “Không”.
- Người lại hỏi: “Các bạn có muốn tăng gia sản xuất không? Các bạn có muốn giúp đỡ đồng bào tản cư không? Các bạn có nhất tâm quyết chiến không? Các bạn có muốn Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu không?”
Sau mỗi câu hỏi của Bác, mọi người đồng thanh hô vang: “Có, quyết tâm” làm theo lời dạy của Người.
Thế rồi lớp lớp ông bà, cha mẹ chúng ta tự tay mình triệt phá đô thành, hăng hái tòng quân giết giặc, tham gia mọi mặt kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, suốt 30 năm, đến ngày 30-4-1975 mới hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành lại độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, thực hiện trọn vẹn lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Nếu tính từ khởi nghĩa tháng tám 1945 đến nay thì cũng gần 70 năm. Còn tính từ năm 1954 miền Bắc được hoàn toàn giải phóng lập lại hoà bình đến nay thì mới 60 năm, thời gian bằng thời gian thực dân Pháp chiếm đóng đô hộ Thanh Hoá.
60 năm (1954-2014) xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, gần 30 năm đổi mới tổ chức quản lý đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, rất còn nhiều việc phải làm, nhưng nhìn vào thực tế thì lớp con cháu chắt của chúng ta được nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục ngày càng trưởng thành nhiều hơn.
Phường Đông Thọ chúng ta đã hoàn thành đô thị hoá. Con đường đi lên tiếp tục là Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá - Hội nhập quốc tế rộng và sâu. Tôi tin rằng mọi người dân hiện sinh sống trên đất Đông Thọ sẽ có nhiều đóng góp xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền nhân quê hương ta, sẽ góp phần thực hiện thành công xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Hồ Chủ Tịch: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

(1) Nguyễn Thượng Hiền – Giọt lệ bể dâu (Trong thơ văn Nguyễn Thượng Hiền), Lê Thước, Vũ Đình Liên dịch, chú thích và giới thiệu NXB VHHN, 1960 trang 137-138.
(2) Hà Trọng Hoà - Trần Xuân Soạn với phong trào Cần Vương và căn cứ Ba Đình ở Thanh Hoá (trong Thành Hạc xưa và nay số 3 tháng 3-2003, trang 5, 6).         
MỘT SỐ TUYẾN ĐƯỜNG CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN
PHƯỜNG ĐÔNG THỌ
 
Đường Thành Thái.png
Đầu đường Thành Thái - Phố Cầu Hạc
 
Đường Đào Duy Anh.png
Đường Đào Duy Anh - Phố Đội Cung 2
Đ Bà Triệu và TXS.png
 Đường giao nhau giữa Bà Triệu và Trần Xuân Soạn - Phố Trung
 
 
Thọ Hạc.png
Đường Thọ Hạc - Phố Thắng
 
 
Dương Đình Nghệ.png
Đường Dương Đình Nghệ - Phố Đông Bắc Ga 2
 
Đ Đặng Tiến Đông.png
Đường Đặng Tiến Đông - Phố Đông Bắc Ga 1 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
289
Hôm qua:
326
Tuần này:
1224
Tháng này:
615
Tất cả:
282013

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289