Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Phường Đông Thọ  - TP.Thanh Hóa

QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930-1945)

Đăng lúc: 15:39:21 29/06/2023 (GMT+7)
100%

Sau khi đàn áp đẫm máu phong trào “Cần Vương”, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách đô hộ và khai thác thuộc địa làm biến đổi mọi mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội trên phạm vi cả nước tới tận làng xã.

 I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TRƯỚC NĂM 1945
1. Tổ chức cai trị của chính quyền thực dân phong kiến
Sau khi đàn áp đẫm máu phong trào “Cần Vương”, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách đô hộ và khai thác thuộc địa làm biến đổi mọi mặt về kinh tế, văn hóa - xã hội trên phạm vi cả nước tới tận làng xã.
a. Về chính trị
Để dễ bề cai trị, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách chia để trị. Chúng chia nước ta thành ba kỳ, đặt chế độ khác nhau ở mỗi kỳ. Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ tự trị, nằm trong chế độ “Bảo hộ”, nhưng thực chất bộ máy cai trị của triều đình nhà Nguyễn không có thực quyền. Bộ máy này vẫn được duy trì từ tỉnh xuống đến làng xã, nhưng chỉ để phục vụ cho chế độ thực dân. Trên thực tế, người Pháp đã nắm toàn bộ quyền hành và quyết định mọi hoạt động từ tỉnh xuống đến tận làng xã.
Chính quyền cấp tỉnh ở Thanh Hóa bao gồm 2 bộ máy: Bộ máy cai trị của thực dân Pháp thông qua viên công sứ và bộ máy chính quyền của triều đình nhà Nguyễn. Dưới chính quyền cấp tỉnh là phủ, huyện, châu do tri phủ, tri huyện, tri châu (miền núi) nắm giữ. Các vị quan này vừa làm nhiệm vụ cai trị, vừa xét xử hình án, thu thuế, bắt phu phen tạp dịch.
Dưới cấp phủ là huyện, tổng. Tổng là đơn vị trung gian giữa phủ, huyện với các làng xã. Đứng đầu tổng là Chánh tổng (cai tổng), giúp việc có các Phó tổng (đối với các tổng lớn). Họ phải đảm nhiệm việc đôn đốc các làng, xã thực thi những quy định của chính quyền cấp trên, chăm lo đường giao thông, thúc giục việc thu thuế. Các làng trong xã Đông Thọ (nay là phường Đông Thọ) trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc tổng Thọ Hạc, huyện (phủ - 1928) Đông Sơn. Bộ máy chính quyền cấp làng (xã) có 2 tổ chức:
- Hội đồng kỳ mục: Gồm các quan viên về hưu, cựu lý trưởng, phó lý, người nhiều tuổi có uy tín do tiên, thứ chỉ đứng đầu.
- Tổ chức lý dịch: Gồm Lý trưởng, các Phó lý, Hương bạ, Hương bản, Hương kiểm, Hương mục và Hương dịch.
Bộ phận lý dịch chịu trách nhiệm thực thi mọi việc, còn Lý trưởng là người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Nhà nước về “việc làng, việc nước”.
Ngoài ra, tại các làng còn có tổ chức tuần phiên cử trai tráng canh phòng làng xóm, đứng đầu là Trương tuần (do Hương kiểm phụ trách). Các tổ chức phe, giáp, hội làng văn, làng võ... vẫn được duy trì và có ruộng riêng do làng cấp nhằm thu hoa lợi phục vụ cho sinh hoạt và cúng tế...
Người dân ở địa phương lúc này cũng được phân thành hai loại: Dân đinh (bao gồm nam giới từ 18 đến 60 tuổi) và dân thường (là những người còn lại). Dân đinh được ghi chép danh sách vào sổ sách. Sổ sách này hương bạ quản lý dưới sự điều hành trực tiếp của Lý trưởng. Chính quyền thực dân quản lý chặt chẽ sổ đinh, nắm những người có tên trong sổ đinh, thông qua lý dịch để thu thuế thân cùng các thứ thuế khác và các loại phu phen tạp dịch, đăng lính...
Dưới thời Pháp thuộc, bộ máy chính quyền làng xã nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung tuy phục vụ cho chế độ thực dân, phong kiến, nhưng chỉ có một số kẻ cường hào, sách nhiễu dân; còn đa số đều có tinh thần yêu nước, đến khi ánh sáng của Đảng rọi tới, họ đã cùng nhân dân đóng góp tích cực vào các phong trào cách mạng.
b. Về kinh tế
Là địa phương có địa thế rộng lớn, đất đai phì nhiêu, chủ yếu là đất trồng lúa nước và hoa màu, song bình quân một nhân khẩu trong xã có trên 1 sào ruộng, nhưng trên thực tế gần 90% nông dân không có đất canh tác mà chủ yếu là khai khẩn những nơi gò bãi, đất hoang hóa cải tạo để trồng trọt. Còn lại chủ yếu do bọn quan lại, điền chủ chiếm giữ. Tình hình sở hữu ruộng đất như vậy dẫn đến đông đảo nông dân trở thành tá điền làm thuê cho điền chủ, hoặc phải thuê ruộng nạp tô... Khi thuê ruộng, người nông dân thường phải nhận những mảnh đất xấu, xa nhà, chỉ cấy được một vụ, thu hoạch năng suất thấp. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt với bão, lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra gây thiệt hại nhiều đến mùa màng nên quanh năm nông dân lao động cực nhọc nhưng vẫn đói nghèo.
Thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến còn bóc lột người nông dân lao động bằng sưu cao, thuế nặng, phụ thu, lạm bổ, phu phen tạp dịch nặng nề. Dã man nhất là thuế thân (gọi là sưu đánh vào các suất đinh nam giới từ 18 đến 60 tuổi) đã vắt kiệt sức người dân lao động. Tình cảnh đó buộc một số người xã Đông Thọ (1943) phải rời bỏ ruộng đồng đi làm thuê, làm mướn cho các chủ xí nghiệp, nhà máy tại khu Hàm Rồng. Hoặc đi vào đồn điền, hầm mỏ lao động khổ sai kiếm sống với đồng lương rẻ mạt.
Giữa lúc đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, phát xít Nhật nhảy vào nước ta (tháng 9 năm 1940), đã cấu kết với thực dân Pháp vơ vét, bóc lột nhân dân ta đến cùng cực. Tàn bạo nhất là chúng bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay nhằm thu lợi nhuận cao đã gây nên nạn đói thê thảm năm Ất Dậu (1945). Riêng các làng thuộc phường Đông Thọ hầu hết nhân dân thiếu đói, hàng chục người bị chết, không hòm ván chôn cất, chỉ bó trong manh chiếu rách... Có gia đình chết đói cả nhà. Nhiều gia đình bán hết ruộng vườn, nhà cửa, vay nặng lãi của điền chủ, hoặc bán con cứu đói, hàng trăm người đi tha hương cầu thực và mất tích.
Ngoài lực lượng nông dân là đông đảo nhất thì tại địa phương còn có lực lượng lao động mới ra đời từ chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa của tư bản Pháp. Đó là lực lượng làm thuê ở các nhà máy, xí nghiệp, lao động khuân vác ở các bến sông, ga tàu, những người làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ (buôn thúng, bán mẹt). Cuộc sống bán sức lao động rẻ mạt cho giới chủ để kiếm sống của họ vô cùng cực khổ, đó cũng là tình cảnh chung của người lao động. Cũng như người nông dân trong cả nước, nguyện vọng của họ là độc lập dân tộc và lao động đảm bảo cuộc sống.
c. Về văn hóa - xã hội
Dưới thời phong kiến, chữ Hán là chữ chính thống, song chữ Hán rất khó học, vả lại phần đông là nhà nghèo, không có tiền để ăn học, nên việc học hành rất khó khăn. Tuy vậy, người dân Đông Thọ rất thông minh, hiếu học nên tính đến những năm 40 của thế kỷ XX, toàn xã có khoảng 25 người có trình độ Nho học và Tây học. Tuy có vẻ ít nhưng lại là một con số đáng kể lúc bấy giờ.
Chữ Hán dần thay thế bằng chữ Quốc ngữ. Đầu thế kỷ XX, tại thị xã Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, các trường Pháp - Việt mới được mở rộng, Trường Tiểu học tư thục Lâm Quang Nhị, được thành lập. Đến năm 1931-1932, mở thêm Trường cao đẳng tiểu học Collège De Thanh Hoa sau đổi tên là Trường Đào Duy Từ.
Là một địa phương nằm ngoại vi thị xã tỉnh lỵ, có điều kiện thuận lợi, nhiều trường học, nhưng do đời sống kinh tế của người nông dân lao động nghèo khổ, ít quan tâm tới việc học hành, nên tình trạng số người mù chữ là chủ yếu. Chính sách “ngu dân” để trị mà thực dân Pháp áp dụng trong giáo dục đã dẫn tới hậu quả trên 90% dân số mù chữ. Khi Cách mạng tháng Tám thành công vào những năm 1945 đến 1947 và những năm tiếp theo, phong trào bình dân học vụ được phát triển rộng rãi, phong trào học chữ Quốc ngữ phát triển và lan rộng ra toàn xã.
Việc chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật cho nhân dân ta cũng không được chế độ thực dân phong kiến quan tâm. Nên các loại dịch bệnh hiểm nghèo đành bó tay chờ chết, bệnh nặng thì dùng các loại lá thảo dược gia truyền hoặc nhờ thầy cúng chữa trị. Năm 1892, một nhà hào phú ở làng Đông Tác tên là Cao Nguyên Vĩ đã góp một số tiền lớn vào việc xây dựng nhà thương tỉnh (ở khu vực Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch trên đường Nguyễn Trãi hiện nay, còn bia ghi sự việc này).
Trong điều kiện kinh tế nghèo khổ, đói rách, bệnh tật lại thêm các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, ma chay, đình đám phát triển càng làm cho đời sống của nhân dân lao động thêm điêu đứng.
Bị mất quyền về chính trị, đói nghèo về kinh tế, nhân dân ta còn bị chà đạp, vùi dập bởi cảnh đời nô lệ, phu phen tạp dịch, nhiều người trong làng, (xã) bị bắt đi phu, đi lính, đi nạo vét sông ở Nga Sơn, đào hồ ở Tĩnh Gia, đào đắp làm sân bay Lai Thành (phường Đông Sơn bây giờ); vào làm công nhân nhà máy diêm, điện, các đồn điền cao su trong Nam, ngoài Bắc.
Như vậy, chính sách cai trị và bóc lột của thực dân Pháp - Phát xít Nhật cấu kết với bè lũ phong kiến tay sai trong hơn 80 năm đô hộ đã đẩy nhân dân ta vào con đường bần cùng hóa, để lại hậu quả nặng nề trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc lúc này đã trở nên gay gắt, đòi hỏi phải được giải quyết bằng một đường lối cách mạng đúng đắn. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối cách mạng cơ bản: Độc lập dân tộc, người cày có ruộng, đã kịp thời lãnh đạo và tập hợp các tầng lớp nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Đông Thọ, vùng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, làm cách mạng giành độc lập, tự do.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ đó các tổ chức Đảng trong cả nước dần được thành lập và phát triển, cả về số lượng và chất lượng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành nhiều phong trào đấu tranh cách mạng. Ngày 29 tháng 7 năm 1930, Đảng bộ Thanh Hóa được thành lập, từ đó phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược giành được nhiều thắng lợi.
Đầu thế kỷ XX, hội Duy Tân trong nước được thành lập và tổ chức phong trào Đông Du với cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc theo đường lối dân chủ tư sản. Thanh Hóa cũng chịu sự tác động và ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, tổ chức hoạt động thông qua hình thức thơ, văn chủ yếu của hai nhà trí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Khi Phan Bội Châu bị bắt và bị kết án tử hình, phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu được dấy lên mạnh mẽ ở thị xã. Khi cụ Phan Châu Trinh mất, bùng lên cuộc vận động làm lễ truy điệu cụ trong các công sở và ngay tại trường Pháp - Việt trên địa bàn tổng Thọ Hạc lúc bấy giờ.
Ngày 27 tháng 3 năm 1927, hơn 200 học sinh đang học trong các trường ở thị xã, trong đó có các con em trong tổng Thọ Hạc tổ chức đòi bãi khóa, đòi phá bỏ các luật lệ hà khắc trong nhà trường và những yêu sách khác giành thắng lợi.
Với truyền thống yêu nước của ông cha, người dân Đông Thọ luôn giữ gìn và phát huy ý chí đánh đuổi quân xâm lược, được thể hiện rất rõ nét ở thanh niên, học sinh, đang học ở các trường. Thông qua học tập, qua các phong trào đấu tranh, tư tưởng yêu nước tiến bộ được bộc lộ rõ và chịu sự ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó lan tỏa sâu rộng đến gia đình, các tầng lớp nhân dân.
Có nhiều con em người Đông Thọ đã hoạt động trong các nhà máy như: Nhà máy diêm Hàm Rồng, bệnh viện, là đường dây liên lạc rất hiệu quả cho các phong trào hoạt động đấu tranh chính trị, che dấu cán bộ.
Tiếp theo các phong trào đòi dân sinh, dân chủ trong các nhà trường, công xưởng. Vào những năm 1940-1941, sau khi phát xít Nhật xâm lược nước ta, thì các phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ và các cuộc khởi nghĩa đã bùng ra, như khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Đô Lương (Nghệ An). Thông qua các cuộc khởi nghĩa đó là cuộc tập dượt chuẩn bị cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này.
Trong những năm 1943-1944, một số thanh niên, học sinh yêu nước của địa phương đã tổ chức thành lập các hội như: Hội văn nghệ, hội võ sĩ, hội rèn, hội thể thao... thông qua các hội đó để tuyên truyền, thu hút lực lượng, luyện tập võ nghệ, rèn giáo mác, dao, mã tấu... làm vũ khí chuẩn bị cho đấu tranh khởi nghĩa.
Trong xã có ông Cao Nguyên Bình đã tự thành lập Liên đoàn võ sĩ Thanh Hóa do ông làm Chủ tịch, tổ chức tập luyện để đánh lại bọn quốc dân Đảng.
Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh điều kiện. Quân đội Nhật tại Đông Dương tan rã, chờ ngày quân Đồng Minh vào tước khí giới để về nước.
Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945, đồng chí Phạm Văn Sáu thay mặt Ban cán sự Việt Minh thành phố chuyển thư của Ban lãnh đạo khởi nghĩa cho quân đội Nhật yêu cầu không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Hứa đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm an toàn tính mạng cho rút quân về nước. Kết quả là quân đội Nhật nhận rút quân về đóng ở nhà Dòng. Họ yêu cầu tự vệ Việt Minh và quân đội Nhật phải ở cách xa nhau khoảng 500 mét.
Sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa được dán khắp nơi trong thành phố. Tối ngày 18 tháng 8 năm 1945, tại nhà ông Lê Liên Giao (Lò Chum), Ban cán sự Việt Minh thành phố mở hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa. Tại Đông Thọ, lực lượng do cán bộ Việt Minh huyện Đông Sơn về chỉ đạo.
Sáng 19 tháng 8 năm 1945, toàn bộ lực lượng được tập trung tại đình Thọ Hạc thuộc tổng Thọ Hạc, trong đó có đông đảo nhân dân, thanh niên trai tráng vác cờ đỏ sao vàng về đình Hạc tập trung để nghe đồng chí Lê Chí Thành (cán bộ Việt Minh huyện Đông Sơn) phổ biến kế hoạch khởi nghĩa và phát động tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân các làng Thọ Hạc, Đông Tác đã giành chính quyền một cách hòa bình, buộc lý trưởng các làng ra đình giao nộp đồng triện, giấy tờ sổ sách.
Trước khí thế mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa, chính quyền tay sai cùng bọn nha lại phủ Đông Sơn hoang mang lo sợ, nhân cơ hội này nhóm “Thanh niên Phan Anh” đã vận động quần chúng nhân dân mang theo cờ đỏ sao vàng, xông vào phủ chiếm trại lính, buộc tri phủ Lê Hoàng Hà phải giao nộp triện đồng, sổ sách, cho cách mạng.
Trước tình hình đó, ngày 27 tháng 8 năm 1945, UBND lâm thời và tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thanh Hóa đã cử đồng chí Ngô Đức và Nguyễn Đình Thực về Đông Sơn tổ chức và chủ trì hội nghị giữa đại diện Việt Minh huyện và đại diện Ủy ban nhân dân lâm thời đi đến thống nhất thành lập UBND lâm thời huyện Đông Sơn gồm 5 thành viên do ông Doãn Hữu Vịnh làm Chủ tịch, ông Lê Đình Dưỡng làm Phó Chủ tịch.
Tại thành phố, tối ngày 19 tháng 8 sau khi giành được chính quyền, Ủy ban khởi nghĩa họp mở rộng thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời do đồng chí Phạm Văn Sáu làm Chủ tịch. Ông Nguyễn Văn Yêm làm Phó Chủ tịch, các ủy viên là những đại biểu cho các giới thanh niên, phụ nữ, công chức, công nhân, công thương.
Sáng ngày 20 tháng 8, những công sở quan trọng được giao cho một số đồng chí phụ trách: Công an tự vệ cục (Sở Cẩm cũ) do đồng chí Nguyễn Khắc Thiệu; Trinh Sát Viện (Sở Liêm Phóng cũ) do ông Vũ Đình Chung; nhà Giây thép (Bưu điện) do đồng chí Nguyễn Xuân Lênh; nhà Thông tin (nhà Bác Cổ cũ) do đồng chí Võ Đức Suyện (tức Hồ Lịch) phụ trách.
Chiều ngày 20 tháng 8 năm 1945, tại vườn hoa Độc lập, Ủy ban nhân dân lâm thời thành phố ra mắt nhân dân. Những ngày tiếp theo là sửa lại đường xá, vận chuyển vũ khí nộp cho Cứu quốc quân... chuẩn bị đón Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh và Cứu quốc quân về ra mắt và dự lễ mít tinh chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám.
10 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, thành phố Thanh Hóa rợp trời cờ đỏ sao vàng và dòng người từ các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc kéo vào, từ Sầm Sơn kéo lên, từ Quảng Xương, Nông Cống kéo ra, từ Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn đổ về thành phố Thanh Hóa (bến xe ô tô - nay là khu vực UBND tỉnh) tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi Cách mạng tháng Tám. Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ và ra mắt Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Tất Đắc (quê ở Hoằng Hóa) làm Chủ tịch.
Cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, được sống cuộc đời tự do trong một đất nước độc lập. Nhân dân phường Đông Thọ đều hồ hởi tham gia gánh vác công việc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cán bộ, nhân dân xã Đông Thọ tự hào vì đã góp phần vào việc đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng chính quyền cách mạng của quê hương. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là niềm tin, nền tảng để nhân dân cả nước nói chung, nhân dân xã Đông Thọ nói riêng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào độc lập - tự do để xây dựng cuộc sống mới. 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
305
Hôm qua:
326
Tuần này:
1240
Tháng này:
631
Tất cả:
282029

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289